Bình Thuận phấn đấu đưa du lịch đạt ít nhất 15% trong cơ cấu GDP

Chiều 18/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành trung ương bắt đầu chuyến công tác làm việc tại Bình Thuận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đây là một tỉnh thuộc vùng kinh tế Nam Trung bộ với gần 200 km bờ biển, là một trong bốn ngư trường lớn nhất Việt Nam và cũng là địa phương nổi tiếng với thương hiệu du lịch Mũi Né - điểm đến hàng đầu quốc gia.

Sức mạnh từ kinh tế biển

Bình Thuận có nhiều tiềm năng và tài nguyên về biển, rừng, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch và năng lượng. Đặc biệt với lợi thế về tài nguyên biển, thềm lục dịa rộng cùng với Khu kinh tế đảo Phú Quý, Bình Thuận có nhiều điều kiện để hình thành và phát triển nền kinh tế biển như: Khai thác và chế biển thủy, hải sản, cảng biển, vận tải biển, khai thác dầu khí….

Cùng với khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.

Năm 2016, kinh tế Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,42%. Thu ngân sách nhà nước năm 2016 là 8.610 tỷ đồng, đạt 114% so dự toán, GRDP đầu người đạt 40,3 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong số các dự án trọng điểm trên địa bàn có Nhà máy điện gió Phú Lạc đã hoàn thành và phát điện hòa lưới quốc gia với tổng công suất 24MW. Toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 39,6% tổng số xã.

Bình Thuận đặt quyết tâm cao phát triển du lịch, hiện lĩnh vực này đang chiếm tỷ trọng 8,26% GRDP của Bình Thuận. Nhờ đó, số lượng du khách tăng bình quân 10,29%/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 24,65%/năm.

Năm 2016, toàn tỉnh đón 4.521,8 ngàn lượt khách, đem lại doanh thu 9.046 tỷ đồng. Trong quý I/2017, lượng khách tiếp tục tăng 8,9% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch ước đạt 2.768 tỷ đồng (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016).

Kết nối hạ tầng để thúc đẩy du lịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Góp ý với Bình Thuận, đại diện các bộ ngành trung ương nhấn mạnh đến tiềm năng kinh tế biển, đặc biệt là du lịch với điểm du lịch quốc gia Mũi Né.

Các ý kiến cho rằng, nếu được kết nối giao thông hiện đại, đồng bộ, Bình Thuận sẽ có nhiều cơ hội đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến nghị địa phương bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Bình Thuận hướng tới 2020 hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đóng góp từ 12 đến 16% GDP.

Cùng với đó, để trở thành một khu du lịch quốc gia tầm cỡ quốc tế, Bình Thuận cũng cần chú ý phát triển đồng bộ các thiết chế về văn hóa và không quên công tác đào tạo dự trữ, phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn ASEAN đáp ứng yêu cầu ngành du lịch trong thời gian tới.

Các bộ, ngành đề nghị Bình Thuận điều tiết tốt hơn cơ chế chính sách để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nhà đầu tư lớn đến với Bình Thuận, qua đó, đẩy mạnh hạ tầng và du lịch và hình thành nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng cao hơn; trở thành một trong những thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Đến 2019, Bình Thuận phải tự cân đối được ngân sách

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với những đánh giá về tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế - xã hội đa dạng và bền vững của Bình Thuận và cho rằng, tỉnh có tinh thần cầu thị, đoàn kết, quyết tâm trong bộ máy vì mục tiêu chung xây dựng địa phương ngày một tiến lên. “Bình Thuận là tỉnh có nhiều điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh”, Thủ tướng kết luận.

Điểm lại những dấu hiệu tích cực trong kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Bình Thuận ở mức khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ; xuất khẩu, vốn đầu tư, thu ngân sách tăng đều hàng năm. Du lịch là một điểm nhấn ở Bình Thuận thời gian qua. Ngoài ra, công tác dân tộc, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm; đào tạo lao động được duy trì. Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về kết quả xây dựng nông thôn mới của Bình Thuận ở mức cao hơn bình quân cả nước.

Thay mặt Chính phủ, biểu dương nỗ lực, kết quả đạt được của Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nêu bật một số tồn tại, cần khắc phục của tỉnh này.

Theo đó, là một địa phương có xuất phát điểm thấp, nhưng trong quá trình phát triển, Bình Thuận chưa tạo ra được những quả đấm thép để tạo chuyển biến mạnh về kinh tế.

Giảm nghèo chưa đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân cả nước. Kinh tế biển còn nhiều bất cập, chưa khai thác đầy đủ, hiệu quả tiềm năng du lịch. Lĩnh vực này cũng chưa được đầu tư, quy hoạch đúng mức, xứng tầm, lượng khách du lịch quốc tế còn thấp.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng chưa bền vững, ứng dụng công nghệ cao chưa tích cực. Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao đến trên 50%. Chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa tốt. Số lượng doanh nghiệp còn thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước.

Là tỉnh lớn, giàu có nhưng Bình Thuận vẫn còn trợ cấp ngân sách, đây là một câu hỏi lớn đối với Đảng bộ, chính quyền Bình Thuận, Thủ tướng đặt vấn đề và ra chỉ tiêu đến 2019, Bình Thuận phải tự cân đối được ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phân tích những lợi thế so sánh của Bình Thuận, nhất là năng lượng sạch, chăn nuôi gia súc, cây công nghiệp, cây ăn quả… Thủ tướng đề nghị trong trung hạn, Bình Thuận phải tiếp tục đi lên bằng 3 chân kiềng: Du lịch dịch vụ, công nghiệp chế biến và nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

“Có thể xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển cao trong vùng duyên hải Nam Trung bộ”, Thủ tướng đặt tầm nhìn cho Bình Thuận.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Bình Thuận nâng tầm chiến lược, quy hoạch phát triển, nhất là một số hạ tầng trọng điểm như quy hoạch đường ven biển và kinh tế - xã hội khu vực ven biển; quy hoạch nguồn nước, du lịch.

Đi liền với đó, là đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa đầu tư trong mọi lĩnh vực. Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận tập trung khuyến khích khởi nghiệp, coi phát triển doanh nghiệp là then chốt của nền kinh tế và đặt chỉ tiêu đến 2020, Bình Thuận phải có trên 7.000 doanh nghiệp.

Nhấn mạnh đến phát triển du lịch, dẫn lại mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng mong muốn Bình Thuận nỗ lực đưa du lịch đạt ít nhất 15% trong cơ cấu GDP của tỉnh.

Về hướng phát triển ngành khai khoáng của Bình Thuận, Thủ tướng chỉ đạo cần phải bàn tính lại kỹ càng, có hướng giải quyết cụ thể sao cho đảm bảo hài hòa giữa các nguồn năng lượng tái tạo, không tái tạo trong phát triển kinh tế. Thủ tướng gợi ý tỉnh phấn đấu trở thành địa phương hàng đầu Việt Nam về công nghiệp năng lượng tái tạo.

Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bình Thuận phải trở thành một trong những trung tâm sản xuất giống tôm của cả nước.

Tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện, đánh bắt xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần chế biến trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đi liền với đó, địa phương cũng phải tăng cường giáo dục ngư dân chấp hành tốt pháp luật về lĩnh vực này.

Thủ tướng cũng căn dặn Bình Thuận quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng một chính quyền đối thoại, lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp và người dân; tránh để bộ máy cồng kềnh, cán bộ thiếu trách nhiệm. “Phải làm sao để doanh nghiệp và người dân có niềm tin thông qua hoạt động của bộ máy”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tư trú tại phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

* Nhân dịp công tác tại Bình Thuận, trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Dự án này do Công ty Cổ phần sữa Thông Thuận làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 800 ha, vốn đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng, bao gồm các dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao.

Điểm nhấn của khu phức hợp này là Nhà máy chế biến sữa có vốn đầu tư 850 tỉ đồng với quy mô 100 triệu lít sữa tươi tiệt trùng/năm, sữa chua 90 triệu hũ/năm, 85 triệu hộp sữa đặc/năm. Đây là mô hình mới của tỉnh trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp Bình Thuận, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả, cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tư trú tại phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, đã có một người con độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Quang Vũ - Tấn Hùng (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: KDB sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: KDB sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam

Chiều 17/4, tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) Lee Dong Geol tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với uy tín, quy mô và kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại thị trường Hàn Quốc, KDB sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, sản xuất kinh doanh vào Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN