Bình Phước: Nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Lộc Ninh

Ngày 4/4, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh (Bình Phước) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức họp báo Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng huyện Lộc Ninh (7/4/1972 - 7/4/2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo. 

Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra ngày 7/4, tại Hội trường Trung tâm Chính trị huyện Lộc Ninh. Có trên 50 hoạt động chào mừng đã và đang được tổ chức trên địa bàn huyện như: Thăm và tặng quà 689 Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, người có công; tặng 10 căn nhà cho gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thành tích tốt trong học tập, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; khánh thành đường giao thông xã Lộc Hòa; nâng cấp, mở rộng đường Phan Chu Trinh kết nối Quốc lộ 13; nâng cấp, mở rộng đường 13B từ ngã ba Chiu Riu đến khu vực Dự án năng lượng mặt trời và nhánh rẽ X16; đường ngã tư Mũi Tôn, xã Lộc Thiện đi xã Lộc Thái.

Ngoài ra, các địa phương còn khởi công, xây dựng nhiều phòng học; tổ chức các giải thể thao; biểu diễn nghệ thuật; gặp mặt, tọa đàm với nhân sĩ, tri thức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của huyện; tuyên dương các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện Lộc Ninh; khai mạc trưng bày chuyên đề “Lộc Ninh - Truyền thống và phát triển”; tổ chức lễ hội ẩm thực và chương trình trình diễn nghệ thuật dân gian của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Lộc Ninh…

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và nhân dân huyện đã hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 526 tỷ đồng, đạt 124% dự toán tỉnh giao. Cơ cấu kinh tế giữa các ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả khá. Huyện có 10/46 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác khám, chữa bệnh có sự chuyển biến tích cực, các bệnh dịch theo mùa, bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt. 

Huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên tập trung phát triển về cơ sở hạ tầng nên kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Lộc Ninh chỉ còn 65 hộ nghèo, chiếm 0,20% dân số toàn huyện. 

“Huyện đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, linh hoạt, đổi mới trong lãnh đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Lộc Ninh đổi mới phương thức làm việc, lãnh đạo, điều hành thích ứng với điều kiện mới; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Huyện tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực”, ông Lê Trường Sơn cho biết thêm.

Tin, ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Về ‘Thủ đô kháng chiến’ Lộc Ninh
Về ‘Thủ đô kháng chiến’ Lộc Ninh

Nói đến vùng đất Lộc Ninh, Thượng tướng Trần Văn Trà – nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam từng nói “... đó là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, hy sinh to lớn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của đồng bào Kinh, Thượng, của biết bao con người trên mọi miền đất nước đã sống và chiến đấu trên vùng đất đỏ Lộc Ninh”. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết: “Lộc Ninh xinh một cụm hồng - Ai hay đất lửa, máu hồng đơm hoa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN