Bên lề Quốc hội: Xem xét nguyên nhân chậm giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên lề Quốc hội, một số đại biểu đã trao đổi với báo chí về nguyên nhân chậm giải ngân các chương trình này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Các chương trình mục tiêu quốc gia nên được thực hiện ngay từ đầu năm 2024  

Ba chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua triển khai còn chậm.

Nguyên nhân là do ách tắc từ cơ chế, chính sách, nên cần có giải pháp tháo gỡ. Tôi hy vọng Quốc hội sẽ họp, tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, để việc giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ nhanh chóng đến được với người dân, nhằm góp phần tăng trưởng GDP và tháo gỡ khó khăn cho người dân ở các vùng miền được thụ hưởng chính sách. 

Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tôi đặc biệt quan tâm đến tiến độ giải ngân cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 này, tôi đề nghị Quốc hội xem xét nguyên nhân chậm giải ngân là ở đâu? Nếu về mặt chủ quan, thì cần có chế tài xử lý người đứng đầu; còn  nếu về mặt khách quan,  thì cần có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời. Bởi việc giải ngân chậm không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển GDP, mà còn ảnh hưởng tới việc đảm bảo cuộc sống, sinh kế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nên được thực hiện ngay từ đầu năm 2024.  

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này, tôi quan tâm đến việc tăng nguồn vốn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để phát triển ngành Điện, hòa mạng được lưới điện quốc gia từ miền Trung kéo ra miền Bắc, cũng như thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không được để xảy ra thiếu điện cục bộ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, Quốc hội cũng cần xem xét trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN có thuận lợi, khó khăn như thế nào, để khi quyết định tăng vốn thì hoạt động của EVN phải hiệu quả hơn. 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế: Tạo niềm tin cho người dân 

Nghị quyết cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến được thông qua lần này. Tôi tán thành và chia sẻ những khó khăn khi xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội, trong đó có những nội dung chuyên ngành, cũng như những nội dung chưa có tiền lệ.

Việc ban hành Nghị quyết cần thiết, giúp các địa phương có chương tình mục tiêu quốc gia. Quan trong là khẳng định chất lượng mục tiêu Quốc gia, phần lớn người được hưởng lợi là dân tộc miền núi, vùng biên giới hải đảo... Như thế sẽ tạo được niềm tin cho người dân.

Lê Vân/Báo Tin tức
Nghiên cứu chính sách đặc thù để gỡ vướng cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Nghiên cứu chính sách đặc thù để gỡ vướng cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN