Bên lề Quốc hội: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Ngày 21/11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023. Bên lề kỳ họp, phóng viên báo Tin tức ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, tiêu cực, việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và hoàn thiện hệ thống pháp luật là những giải pháp quan trọng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Nêu gương trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, cũng như các năm trước đây, rất quyết liệt, chủ trương là xử lý nghiêm những đối tượng tham ô, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, với phương châm không có vùng cấm, dù là ai, ở cương vị nào.

Năm 2023, đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng và đã phanh phui, xử lý kiên quyết, được người dân đồng tình, ủng hộ. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ hơn, Viện Kiểm sát đã thu hồi tài sản trên 80%, đây là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, đáng chú ý, vừa qua, vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ án đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng, có khả năng làm thất thoát tài sản, tiền của của Nhà nước và Nhân dân lớn. Đây là một vụ án từ trước tới giờ chưa từng có, tiền nhận hối lộ cao nhất, với số tiền chiếm dụng, làm hồ sơ khống trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó có trên 500.000 tỷ đồng tiền gửi của người dân. Đây là vụ án lớn, cần có sự phanh phui, điều tra làm rõ để xử lý. Cơ quan pháp luật đã bắt giữ được bà Trương Mỹ Lan và chồng, tuy nhiên vẫn còn “lọt lưới” nhiều "con cá to", 7 đối tượng có trách nhiệm ở Ngân hàng SCB đã bỏ trốn ra nước ngoài, hiện đang truy nã quốc tế. 

Mới đây, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã ban hành văn bản về ngăn chặn, phòng chống tham nhũng của cơ quan điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án… để ngăn chặn những hành vi tham nhũng của các đối tượng thanh tra, kiểm toán, khi phát hiện có hành vi tham nhũng của các cá nhân, yêu cầu phải chuyển cho cơ quan điều tra, không để xảy ra tình trạng tương tự như vụ Vạn Thịnh Phát và SCB vừa qua. 

Bên cạnh những quy định về pháp luật, giải pháp phòng chống tham nhũng căn cơ, cốt lõi nhất là giáo dục đạo đức lối sống, phẩm chất của cán bộ Đảng viên. Đặc biệt, việc thể hiện nêu gương tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu nêu gương, liêm khiết, trung thực, làm hết tinh thần trách nhiệm, không tham ô, hối lộ, tiêu cực, cấp dưới không bao giờ dám làm. Cùng với đó, phải kiên quyết xử lý, phát hiện đến đâu, xử lý đến đó, dù người vi phạm ở cương vị nào. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Công Long,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi với phóng viên.

Đại biểu Nguyễn Công Long,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Khâu yếu nhất hiện nay là tự kiểm tra và tự kiểm soát của các đơn vị

Công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả hay không phụ thuộc lớn vào trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước, lĩnh vực mình phụ trách. Năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đạt được kết quả lớn, số vụ việc phát hiện tăng trên 56%, đối tượng phát hiện tăng hơn 96%, số vụ tham nhũng nhận hối lộ bị phát hiện và xử lý tăng 346%, đây là con số cho thấy hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng.

Mặc dù các biện pháp phòng chống mạnh mẽ, nhưng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp, nhưng trách nhiệm người đứng đầu là quan trọng nhất. Năm 2023, có 55 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách. Yếu kém nhất hiện nay là tự phát hiện và xử lý ở cơ sở. Hầu như các vụ việc được phát hiện và xử lý đều do các cơ quan tiến hành tố tụng, báo chí, qua kiểm tra thanh tra… 

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) trao đổi với phóng viên.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên): Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho phát triển, vừa tạo các thiết chế để kiểm tra, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực của người đứng đầu và người có trách nhiệm có liên quan. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện đầy đủ và bài bản. Đặc biệt, tăng cường sự giám sát của công dân và cơ chế công khai minh bạch.

Tôi muốn nhấn mạnh lại, hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều quan trọng để đảm bảo có được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ hơn, để những ranh giới phạm tội và không phạm tội phải được thể hiện rõ. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Bên lề Quốc hội: Xem xét lại quản lý hoạt động tổ chức tín dụng sau vụ SCB
Bên lề Quốc hội: Xem xét lại quản lý hoạt động tổ chức tín dụng sau vụ SCB

Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, vụ SCB là bài học kinh nghiệm để xử lý câu chuyện về kiểm soát sớm, xây dựng hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực; đồng thời, phải thiết kế một mô hình giám sát đủ mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN