Bất cập trong quy hoạch, quản lý khiến dòng điện chảy ngược

Sau khi một số phương tiện thông tin nêu có tình trạng dòng điện quý hiếm của Việt Nam chảy ngược sang Trung Quốc, phóng viên baso Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ngành điện Lào Cai - nơi được uỷ quyền hợp đồng mua điện, để tìm hiểu rõ nguyên nhân và được biết có thời gian điện không tiêu thụ hết đã chảy ngược sang Trung Quốc qua đường đấu nối từng nhập khẩu điện là có thật.

Công nhân Điện lực vận hành các trạm biến áp. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Lượng điện này không được trừ vào sản lượng điện đã nhập sang Việt Nam theo hợp đồng từ đầu năm mà đành "biếu không" cho bên bán là điện lực Vân Nam (Trung Quốc). Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị quản lý, điều phối chưa lường trước được trong năm sẽ có thêm một số nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn được đưa vào sử dụng đủ khả năng tự cân đối nguồn điện tại địa phương mà đã ký hợp đồng nhập khẩu điện với đối tác Trung Quốc (lượng điện nhập hàng năm từ 1/10/2004 đến nay là 350-360 triệu kWh).

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Lào Cai, tháng 5/2011 Công ty được ủy quyền ký mua điện Trung Quốc 37 triệu kWh, chỉ tiêu thụ 27,13 triệu kWh. Do lượng điện Lào Cai không tiêu thụ hết nên các nhà máy thủy điện của Lào Cai sau khi hoà vào lưới điện đã có 52 lần phát công suất ngược sang phía Trung Quốc, công suất phát ngược lớn nhất là 20MW, tổng sản lượng phát ngược là 42.900 kWh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng điện chảy ngược sang Trung Quốc, do các nhà máy thủy điện tập trung phát vào giờ cao điểm, trong khi đó các nhà máy phốt pho lại ngừng sản xuất vào giờ cao điểm đã dẫn đến vào giờ cao điểm công suất điện lớn hơn phụ tải, đường dây 110KV Hà Khẩu - Lào Cai điều tiết giữ mức công suất dưới 5MW, khi phụ tải dao động dẫn đến điện từ Việt Nam phát ngược sang Trung Quốc.

Điểm bất cập trong công tác quản lý cũng như thiếu chặt chẽ trong hợp đồng mua điện với đối tác Trung Quốc thể hiện rõ nhất ở việc điều tiết lượng điện vào giờ cao điểm. Công ty Điện lực Lào Cai mua điện trên địa bàn của 17 nhà máy thủy điện nhỏ, với tổng công suất lắp máy là 128MW. Theo hợp đồng, những nhà máy thủy điện này đã đưa điện lên lưới, trong khi đó các nhà máy Phốt pho vàng, Phốt pho Việt Nam, Phốt pho Đông Nam Á, Phốt pho Đức Giang, Luyện đồng Lào Cai, Tuyển đồng Sin Quyền là những cơ sở tiêu thụ điện năng lớn lại thực hiện tiết kiệm điện hạn chế sản xuất giờ cao điểm nên mới có lượng điện dư thừa chảy ngược sang Trung Quốc. Ông Lê Đức Chùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai thừa nhận một thực tế khắt khe khách quan theo hợp đồng, đó là: Điện mua của Trung Quốc không được kết nối vào mạng lưới điện quốc gia, sản lượng điện tổng thể hàng năm từ 350-360 triệu kWh được chia ra từng tháng theo nhu cầu điện của Việt Nam, Công ty Điện lực Lào Cai đăng ký sản lượng điện hàng tháng, nếu tiêu thụ dưới hoặc vượt quá ± 5% thì bị phạt. Thực tế Công ty Điện lực Lào Cai đã nhiều lần bị phía Trung Quốc phạt, tháng bị phạt cao nhất là 56.000 USD.

Lý giải của phía Trung Quốc là vì phía họ "cũng phải ký hợp đồng mua điện của các nhà máy phát điện". Còn việc phía bạn không đồng ý cho Lào Cai kết nối vào lưới điện chung của Việt Nam là để "cho dễ điều hành"!?. Thành ra, lượng điện thừa không được điều hoà vào lưới điện quốc gia của Việt Nam mà lại chảy ngược sang Trung Quốc vì hiện nay không có đường truyền tải 220KV từ Lào Cai về xuôi. Được biết, sản lượng điện Công ty Điện lực Lào Cai thay mặt cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mua của Trung Quốc, chỉ phục vụ cho hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Cũng theo ông Lê Đức Chùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai, để khắc phục khủng khoảng... thừa như hiện nay, Công ty đã yêu cầu các nhà máy sản xuất tiêu thụ điện năng lớn mua điện chạy vào giờ cao điểm. Mặt khác yêu cầu các nhà máy thủy điện tiết giảm công suất và cam kết thực hiện Quy trình vận hành điều tiết trong trường hợp thừa, thiếu công suất. Đầu tháng 7/2011, Cty Điện lực Lào Cai được sự nhất trí của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã tiến hành sửa chữa và đưa trạm điện 220KV Dốc Đỏ vào vận hành, kết nối các nhà máy thuỷ điện Mường Hum, Ngòi Xan 2, Nậm Hô vào đường dây 220KV. Trước đây các nhà máy này kết nối vào đường dây 110KV để cung cấp điện cho khu vực công nghiệp Tằng Loỏng, nếu thừa sẽ chuyển về Yên Bái, giải quyết được tình trạng điện chảy ngược sang Trung Quốc.

Tập đoàn Điện lực cũng đã có kế hoạch xây dựng trạm biến áp 220KV với hai máy biến thế tổng công suất 250MW và hai đường dây điện 220KV để kết nối với lưới điện quốc gia, tổng kinh phí khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng thu nhận một lượng điện khá lớn từ nhà máy thuỷ điện: Bắc Hà, Séo Chong Hô, Sử Pán 2… sau khi các nhà máy đi vào vận hành trong thời gian tới.

Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN