Bác vẫn luôn song hành cùng mỗi bước chúng con đi

Tiếp tục cuộc hành trình nghĩa tình đồng đội

Thương binh, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Đình Nghiệp, phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi vinh dự được đại diện hơn 1.000 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi về Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Hưởng ứng Cuộc vận động, ông đã tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất của một người cựu chiến binh gương mẫu. Trong 4 năm qua, ông đã bỏ tiền và công sức, xuống biển lên nguồn, về lại chiến trường xưa, cùng với các đồng chí trong cùng đơn vị, nay sinh sống ở nhiều tỉnh khác nhau, để đi tìm hài cốt đồng đội.

Ông đã cùng đồng đội tổ chức hơn 10 cuộc tìm kiếm, trong đó 7 cuộc có kết quả, đã tìm được hơn 160 bộ hài cốt liệt sĩ… Điển hình là đầu năm 2007, ông đã cùng các đồng chí của Ban liên lạc tiểu đoàn 406 bộ đội đặc công khu 5 xác định địa điểm, thuê nhân công đào thăm dò, phát hiện, giúp các ngành chức năng khai quật được 47 hài cốt các chiến sỹ đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 khi đánh vào thị xã Quảng Ngãi và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh.

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục cùng đồng đội trong đơn vị cũ thu thập thông tin, tìm các nhân chứng và lặn lội đến gặp cho bằng được, bất kỳ nhân chứng đó ở xa hàng trăm cây số… Để xúc tiến việc tìm đồng đội đã hy sinh trong trận đánh vào huyện lỵ Nghĩa Hành vào ngày 2/1/1968, ông và đồng đội đã bỏ tiền cá nhân mua sắm máy bơm nước và trang thiết bị cần thiết, thuê nhân công đào thăm dò… Sau 4 ngày tìm kiếm, phát hiện hài cốt của đồng đội, ông đề xuất với các ngành chức năng của tỉnh và huyện Nghĩa Hành lên phương án và khai quật được 93 hài cốt liệt sĩ tại 5 hố chôn tập thể trong vườn nhà ông Nguyễn Lịnh và sân vận động (cũ) huyện Nghĩa Hành.

Ngoài việc tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh, ông còn tích cực vận động các đồng chí cùng các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm… thực hiện nhiều việc làm tình nghĩa với đồng đội và gia đình của họ như: Hỗ trợ xây dựng, tu sửa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, giúp đỡ các con của những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ việc tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà truyền thống của địa phương… với tổng số tiền gần 60 triệu đồng. Riêng ông đóng góp gần 40 triệu đồng.

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Đình Nghiệp tâm sự: "Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thôi thúc tôi vượt qua những khó khăn, vất vả để góp phần cùng với chính quyền và nhân dân ở địa phương thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người và gia đình có công với cách mạng. Tôi nguyện với lòng mình là còn sức, tôi còn tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội và sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng đội còn khó khăn". 

Lòng quân dân không "biên giới" thì biên giới mãi bình an

Đó là tâm sự của đại úy Nguyễn Thanh Tùng (ảnh), Đội phó đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, bộ đội biên phòng Lào Cai. Anh là một trong những đảng viên xuất sắc, được Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Lào Cai cử đi dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tổ chức tại Hà Nội 12/12/2010.

Với nhiệm vụ được cấp ủy chỉ huy đơn vị giao quản lý, phụ trách 1 xã biên giới gồm 14 thôn bản, 597 hộ, trên 3.000 khẩu gồm 7 dân tộc anh em sống xen kẽ. Quản lý địa bàn rộng, có trên 5 km đường biên chung với nước bạn Trung Quốc, Nguyễn Thanh Tùng luôn thực hiện tốt "3 bám, 4 cùng": "3 bám" là bám địa bàn, bám dân, bám vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; "Bốn cùng" là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương với nhân dân. Nhờ vậy đội công tác do anh phụ trách đã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Học tập Bác "cách nói ngắn, dễ hiểu, dễ làm", thông qua những tấm gương thực tế sinh động trên báo, đài... mà tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân làm theo.

Nắm được tâm lý đồng bào "chỉ tin thực tế, trọng những điều mắt thấy", anh cùng đồng đội ra sức xây dựng điển hình làm kinh tế, sinh đẻ kế hoạch, gọn nhẹ hóa việc cưới, việc tang để tiết kiệm của cải và thời gian dành cho sản xuất, từ đó nhân rộng ra các thôn bản cho mọi nhà cùng làm. Cầm tay chỉ việc, tập trung vốn và nhân lực một thời gian nhất định cho vài hộ ở vài thôn thoát nghèo, vươn lên thành khá, đội công tác của anh đã tạo được những gương điển hình về cách trồng ngô lai, trồng đậu tương hàng hóa, nuôi trâu bò theo cách bán chăn dắt, tận dụng diện tích đất nhàn rỗi để canh tác vụ 3 mà 14 thôn trong xã Tả Gia Khâu do anh phụ trách từ năm 2008 đến nay liên tục được mùa, từng bước bỏ lối du canh chọc lỗ tra hạt, đời sống của người dân ngày càng khấm khá, nhiều nhà đã có của ăn của để.

Phụ nữ trong xã có việc làm, có thu nhập ổn định nên đã bớt dần tình trạng bỏ nhà ra đi. Năm 2007 là năm đầu anh và tổ công tác xuống địa bàn làm công tác dân vận, cũng là thời gian cả nước triển khai Cuộc vận động lớn: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các anh đã sớm bám cơ sở, nhờ đó đã kịp thời khuyên ngăn trên 20 hộ đồng bào Mông 5 thôn giáp biên giới có ý định di cư ra ngoài tỉnh. Chỉ trong một năm, tổ công tác dân vận của đại úy Nguyễn Thanh Tùng đã đóng góp nhiều ngày công, tu sửa được hàng chục ngôi nhà tạm thành những ngôi nhà "cứng cột, cứng mái và cứng nền".

Nói sinh đẻ có kế hoạch chung chung đồng bào không quan tâm, nhưng khi Nguyễn Thanh Tùng lấy hai hình ảnh chị Sùng Mai ở thôn trên đẻ 2 con mới ngoài 30 tuổi đã xây cất được nhà, có thời gian chăm sóc các con ăn học đến nơi đến chốn. Còn chị Cùng Cở, Sùng Cáo mới 19, 20 tuổi đã có 4 con, thường xuyên đau ốm, thiếu ăn, bà con đã nhận ra đẻ nhiều là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói, thất học, sức khỏe không đảm bảo. Và kết quả, anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã vận động được 296 chị em ở độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, 3 năm liền, số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 giảm từ 80% xuống 15%. Năm 2008, Đội công tác đã vận động được 35 học sinh bỏ học ra lớp và duy trì sỹ số chuyên cần liên tục ở mức cao từ đó đến nay.

Từ năm 2007 trở lại đây, trên địa bàn biên giới do đội anh phụ trách đã có trên 500 lượt người cùng bộ đội tổ chức tuần tra biên giới. Nhân dân cũng đã cung cấp gần 2.000 nguồn tin có giá trị phục vụ tốt cho công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Địa bàn do anh phụ trách luôn ổn định về an ninh, đường biên mốc giới hòa bình, nhân dân yên tâm sản xuất, chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

4 năm hưởng ứng Cuộc vận động lớn của Đảng "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Nguyễn Thanh Tùng đã được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen các cấp, danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Năm 2010 anh được nhận Kỷ niệm chương của Ban Dân vận Trung ương. Tuy nhiên, phần thưởng lớn lao nhất là tình cảm của bà con các dân tộc trên địa bàn xã dành cho anh. Chàng sĩ quan trẻ quê miền xuôi đã được đồng bào vùng cao Tả Gia Khâu tin yêu và coi như là một người con của bản.

Học ở Người tinh thần vượt khó

Đến từ Thủ đô Hà Nội, Đào Thu Hương, biên/phiên dịch viên của tổ chức Samaritan's Purse Việt Nam, vinh dự và xúc động được thay mặt cho tuổi trẻ Thủ đô và cộng đồng người khuyết tật Hà Nội, bày tỏ suy nghĩ của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tấm gương sáng ngời đã soi đường, dẫn lối cho cô trong suốt quá trình học tập và rèn luyện của mình.

Cuộc đời em đã không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, 10 tuổi, đôi mắt hoàn toàn tắt nguồn ánh sáng đã cuốn theo những ước mơ tươi đẹp của tuổi thơ. Khi vào học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị, lời dạy của Bác đối với các thương binh "tàn nhưng không phế" đã giúp Hương vượt qua chính mình, để tự đứng lên thay đổi chính cuộc đời mình.

Những câu chuyện về tinh thần cầu thị, ham học hỏi, không đầu hàng trước mọi thử thách của Bác Hồ, đã truyền cho Hương nghị lực sống để luôn luôn phấn đấu, giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, dẫn đầu lớp trong suốt những năm học hòa nhập ở cấp II và cấp III.

Với mong ước giúp đỡ những người đồng cảnh, Thu Hương đã chọn con đường học ngoại ngữ từ năm lớp 11. Sự quyết tâm, khổ luyện học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi của Bác đã truyền cho em sự chuyên cần trong môn học này. Hương đã học ngoại ngữ như cách học của Bác lúc sinh thời. Niềm vui lớn đã đến, với những thành tích đã đạt được trong học tập và hoạt động ngoại khóa, tháng 3/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tuyển thẳng Hương vào khoa tiếng Anh trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hương đã sưu tầm những mẩu chuyện về Bác để đóng góp cho phong trào "Kể chuyện về Bác Hồ" do Thành Hội Người mù Hà Nội phát động. Thu Hương tâm sự: “Sức lôi cuốn của Cuộc vận động thúc đẩy tôi không ngừng trau dồi kiến thức và đạo đức, tôi học ở Bác tinh thần tự học, học thực chất, học suốt đời, học đi đôi với hành. Tôi học ở Người tinh thần vượt khó và luôn đấu tranh với chính bản thân mình".

Trong suốt 4 năm học đại học, Hương luôn là một trong những sinh viên dẫn đầu lớp, được tuyên dương là sinh viên xuất sắc sau năm thứ nhất và đỗ thủ khoa vào tháng 6/2010 với điểm tổng kết 8,75. Năm học 2007- 2008, Hương vinh dự được là sinh viên duy nhất của khoa nhận học bổng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; năm 2008 được Microsoft vinh danh là Anh hùng Thầm lặng.

Cũng trong thời gian này, Hương giành Giải Ba trong cuộc thi chế tạo đồ dùng dạy học cấp trường với sản phẩm đĩa CD dạy nói tiếng Anh cho trẻ khiếm thị. Thực hiện mơ ước giúp các em khiếm thị học ngoại ngữ, mùa hè năm 2008, Thu Hương đã trở về trường Nguyễn Đình Chiểu tình nguyện dạy tiếng Anh cho các em. Để nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho bản thân khi hỗ trợ những người đồng cảnh, Thu Hương đã đăng ký và được chọn là một trong hai đại biểu Việt Nam tham dự khóa học "Người khuyết tật, bình đẳng giới và sự phát triển" tại Thái Lan và là đại biểu duy nhất của Việt Nam tham dự hội nghị "Những khó khăn chung của người khuyết tật trẻ trên thế giới" tại Hàn Quốc tháng 8/2010. Hương đã được chọn là 1 trong 120 thủ khoa xuất sắc của Hà Nội được vinh danh năm 2010.

Hương Thủy, Hương Thu – TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN