Về sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong hơn 1 năm qua, ông Đỗ Hùng Việt cho biết, Hội đồng Bảo an là cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Tiếp tục nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế trong xử lý xung đột ở tất cả các khu vực trên thế giới, trong 1 năm qua, Hội đồng Bảo an đã chuyển các cuộc họp, trao đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến dưới tác động của tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đối với Việt Nam, việc Hội đồng Bảo an phải họp trực tuyến cũng tạo điều kiện để các lãnh đạo của Việt Nam, lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham dự nhiều cuộc họp của Hội đồng Bảo an hơn so với nhiệm kỳ trước. Điều này cũng khẳng định sự quan tâm của Chính phủ và lãnh đạo Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung và vai trò quan trọng của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an nói riêng.
Trong quá trình tham gia đó, phái đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định thông điệp lớn của Việt Nam là tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương để đóng góp vào những nỗ lực chung giải quyết thách thức toàn cầu mà các nước đang phải đối mặt.
Trên cơ sở thông điệp bao trùm: "Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình bền vững", Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Việt Nam cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN trong hợp tác với Liên hợp quốc đối với việc giải quyết những thách thức chung.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia thúc đẩy một số chủ đề cụ thể như: bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; phụ nữ, hòa bình và an ninh; biến đổi khí hậu và an ninh cũng như thúc đẩy các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Về việc lần thứ hai Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an, ông Đỗ Hùng Việt cho biết, chương trình hoạt động trong tháng 4/2021 của Hội đồng Bảo an có khoảng 30 cuộc họp chính thức; xử lý hơn 12 vấn đề trong chương trình nghị sự ở tất cả các khu vực từ châu Phi, Trung Đông cho tới khu vực châu Âu, châu Mỹ và các vấn đề khác.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam vừa điều hành tất cả các hoạt động của Hội đồng vừa đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước thành viên của Liên hợp quốc, trong quan hệ với báo chí cũng như các tổ chức phi chính phủ, các đối tác khác của Hội đồng Bảo an. Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Việt Nam xác định sẽ nỗ lực hết mình tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thực hiện vai trò này nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, sự linh hoạt trong xử lý những điểm khác biệt có thể có giữa các nước thành viên; bảo đảm Hội đồng Bảo an có tiếng nói thống nhất, đoàn kết, đồng thuận trong việc xử lý các thách thức chung đang đặt ra hiện nay.
Trong lần thứ hai đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam xác định 3 chủ đề ưu tiên chính sẽ được thúc đẩy. Chủ đề thứ nhất là tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột. Đây là sự tiếp nối nỗ lực xuyên suốt của Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ đến giờ. Trước đó, vào tháng 1/2020, khi lần thứ nhất đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tổ chức Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an về hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc.
Để triển khai chủ đề này, dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức một sự kiện vào ngày 19/4 do lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì, tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với các nước thành viên Hội đồng Bảo an. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã khẳng định sẽ tham dự sự kiện này. Bên cạnh đó, lãnh đạo của ba tổ chức khu vực hàng đầu: ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) cũng được mời tham dự. Việt Nam cũng thúc đẩy việc xây dựng một văn kiện của Hội đồng Bảo an sẽ được thông qua tại sự kiện này.
Chủ đề quan trọng thứ hai mà Việt Nam dự kiến sẽ thúc đẩy tại Hội đồng Bảo an là việc khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn.
Ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, khắc phục hậu quả bom mìn là vấn đề hết sức quan trọng đối với Việt Nam, có tác động sâu sắc đối với phát triển kinh tế-xã hội cũng như là bảo đảm an ninh, an toàn của người dân. Sự kiện này được Bộ Ngoại giao Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế do vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước xung đột đã chấm dứt nhiều thập kỷ qua như Việt Nam.
Về chủ đề này, dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức một phiên họp cấp Bộ trưởng do Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam chủ trì vào ngày 8/4. Trong sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng khẳng định sẽ tham dự. Cùng với đó là một số khách mời đặc biệt, trong đó có một đại diện của nhóm nữ rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị. Dự kiến, diễn viên Daniel Craig, người đảm nhiệm vai nam chính trong sê ri phim "Điệp viên 007", hiện tại là Đại sứ Liên hợp quốc về khắc phục hậu quả bom mìn, sẽ tham dự trực tuyến hoặc gửi thông điệp video.
Chủ đề thứ ba là bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang. Xuất phát từ những kinh nghiệm từng trải qua nhiều năm chiến tranh, xung đột cũng như nhận thấy đây là vấn đề quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, Việt Nam mong muốn thúc đẩy vấn đề này để Hội đồng Bảo an cũng như Liên hợp quốc và các quốc gia quan tâm, bảo vệ các cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng đối với sự sống của thường dân trong các cuộc xung đột vũ trang. Đó là các cơ sở y tế; cơ sở hạ tầng về điện, nước, an ninh lương thực, vệ sinh, trường học và những cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Về chủ đề này, dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức một phiên họp cấp Bộ trưởng vào ngày 27/4 với sự tham dự của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách về các vấn đề nhân đạo, lãnh đạo tổ chức Ủy ban Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.