Ấn tượng về một kỳ họp có nhiều đổi mới

Qua hơn một tháng làm việc khẩn trương và trách nhiệm, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành khối lượng công việc lớn theo đúng chương trình đề ra.


Đại biểu Quốc hội biểu quyết danh sách bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Kỳ họp có chất lượng tốt, trong đó có việc đổi mới phiên chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua nhiều bộ luật quan trọng làm nền tảng để triển khai Hiến pháp 2013 và một số công việc khác. Những đổi mới này đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của các các cơ quan chịu sự giám sát, tạo niềm tin, sự phấn khởi của cử tri và nhân dân cả nước đối với đại biểu Quốc hội và Quốc hội. Đây là nhận xét chung của nhiều đại biểu đối với Kỳ họp thứ 10, một trong những kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết điều ấn tượng nhất đối với ông là Kỳ họp lần này đã thông qua các bộ luật rất quan trọng, làm nền tảng để triển khai Hiến pháp, điển hình như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự... 

Các bộ luật này có nhiều điểm mới, đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau, tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Như vấn đề tòa án có quyền từ chối đơn kiện của người dân hay không? Qua tranh luận, cuối cùng đi đến thống nhất: Tòa án không có quyền từ chối. 

Hoặc, Luật Tố tụng hình sự đề cập đến “quyền im lặng” - một nguyên tắc suy đoán vô tội, có nghĩa là người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải nhận tội để tự kết tội mình mà cơ quan tố tụng phải có nhiệm vụ chứng minh. Đây là nguyên tắc quan trọng để chống oan sai… Có thể nói, đây là những tiến bộ trong quá trình làm luật của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận kỹ về thực trạng của ngân sách, vấn đề nợ công. Quốc hội đã ban hành một Nghị quyết buộc Chính phủ phải tiết giảm chi tiêu để giảm đi cơ cấu về nợ, chấm dứt tình trạng năm sau vay nợ nhiều hơn năm trước. Một vấn đề đã tồn tại rất lâu nay là tình trạng sử dụng không hiệu quả đất nông, lâm trường, đã được Quốc hội đưa ra thảo luận trong Kỳ họp lần này. 

Theo thống kê, hiện nay có khoảng trên 600 nghìn ha đất trong các nông, lâm trường không mang lại hiệu quả cao, trong khi đó nhiều doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp kỹ thuật cao lại thiếu đất sản xuất. Lần đầu tiên, Quốc hội đã giám sát về nội dung này, đồng thời ban hành Nghị quyết, trong đó quy định về thực hiện nguyên tắc quỹ đất là hữu hạn, làm sao sử dụng có hiệu quả, phát huy lợi thế, đại biểu chia sẻ.

Cùng quan điểm đánh giá cao những điểm đổi mới của Kỳ họp lần này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Trước hết, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội được thể hiện một cách rõ ràng. Đây là Kỳ họp có khối lượng công việc nặng nề nhưng các đại biểu đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện qua các ý kiến đóng góp xây dựng luật. 

Việc xây dựng các luật, bộ luật lần này có chất lượng tốt, bởi trước khi trình Quốc hội xem xét, Ban soạn thảo và các Ủy ban của Quốc hội đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các luật sư. Đây là cách làm đúng đắn để luật gắn với cuộc sống, cập nhật yêu cầu của thực tế. Luật pháp khi ban hành phải được thực thi trong cuộc sống. 

Những chuyên gia, đặc biệt là các luật sư, các nhà tư vấn là những người hàng ngày sử dụng, áp dụng những luật đó, chính họ hiểu rõ được những bất cập của các luật, bộ luật cũ trong hàng chục năm qua. Chính vì vậy, các luật, bộ luật vừa được thông qua tuy nhiều về số lượng, nhưng nội dung tốt hơn, hợp lý hơn, khoa học hơn và đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hơn so với những bộ luật và luật cũ.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc triển khai Hiến pháp 2013 nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước, của nhân dân; khối lượng công việc trong xây dựng pháp luật là khá nặng. Quốc hội cần rút kinh nghiệm trong hoạt động của các kỳ họp sắp tới là sắp xếp, phân loại các đạo luật, đối với các luật chưa thật sự cần thiết, cấp bách có thể chuyển sang kỳ họp sau để có thể tập trung vào một số luật đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn.

Góp ý kiến để các Kỳ họp Quốc hội sắp tới tiếp tục được nâng cao chất lượng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu quan điểm: Đổi mới chất vấn là điều tốt, nhưng về hình thức chất vấn quá rộng. Rất nhiều câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra, trong khi đó điều kiện và thời gian không cho phép, do vậy còn những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm lại không thể đi đến cùng. 

Nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội rất sâu sắc nhưng cũng có những câu hỏi vụn vặt, mang tính địa phương, chưa bao quát hết sự việc. Đại biểu mong muốn Quốc hội cần tiếp tục rút kinh nghiệm để tổ chức các kỳ họp sau tốt hơn, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước…

Phúc Hằng (TTXVN)
Quốc hội thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát
Quốc hội thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN