An Giang đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.200 tấn gạo

Chiều 29/10, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dẫn đầu đã làm việc với tỉnh An Giang về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, thời gian qua, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định số 23/2013/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh An Giang, đời sống của nhân dân lao động đã cơ bản được đáp ứng; san sẻ một phần khó khăn cho người sử dụng lao động; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong đó, liên quan đến chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đã 1.600 doanh nghiệp với gần 65.200 lao động được hỗ trợ với số tiền gần 20 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ gần 6.300 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền hơn 23 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ gần 1.900 trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế.

Tỉnh cũng phê duyệt hỗ trợ 3.028 hộ kinh doanh với số tiền gần 9,1 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 23 doanh nghiệp, gần 1.600 lao động với số tiền gần 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 14.500 người bán lẻ vé số lưu động số tiền gần 22 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 162.000 người lao động tự do với số tiền hơn 243 tỷ đồng….

Ông Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết: Ngoài tập trung phòng, chống dịch COVID-19, công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn luôn thực hiện đầy đủ kịp thời. Với sự chung tay tham gia của các cấp, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp quyên góp, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tổ chức nhiều mô hình như: Cửa hàng 0 đồng, chuyến xe 0 đồng, quầy hàng 0 đồng, chuyến xe yêu thương, chương trình “Triệu túi an sinh",...

Tính đến ngày 25/10, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức thực hiện các mô hình tại 190 địa điểm ở xã, phường, trị trấn, hỗ trợ trên 494.000 lượt hộ dân với giá trị hơn 60 tỷ đồng đồng; hỗ trợ cho gần 242.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình tại nơi bị phong toả với tổng số tiền trên 129 tỷ đồng- Ông Nguyễn Sơn cho biết.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Sơn, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, báo cáo việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 

Cũng theo ông Nguyễn Sơn, thời gian qua, An Giang đã tiếp nhận gạo hỗ trợ từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Cửu Long, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ theo đúng kế hoạch đề ra. Kết quả đã cấp phát hết số gạo trên cho hơn 224.000 người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 15 kg gạo/người/1 tháng.

Từ đầu tháng đến ngày 29/10, tỉnh đã tiếp nhận trên 65.000 người dân An Giang ở địa phương khác tự phát trở về. Qua thống kê sơ bộ, trong tổng số người dân quay trở về địa phương có trên 80% người trong độ tuổi lao động, khoảng 46% người đã được tiêm vaccine. Hiện, tỉnh đang nắm thông tin, nhu cầu của người dân để hỗ trợ họ quay lại nơi làm việc hoặc tìm kiếm việc làm trong tỉnh.

Tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 23 theo Nghị quyết số 126/NQ-CP để các tỉnh, thành phố sớm triển khai thực hiện kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp; xem xét tiếp tục phân bổ hỗ trợ 1.200 tấn gạo cho người dân về quê tự phát, nhóm lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19; sớm hỗ trợ cho ngân sách địa phương 60% kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Tỉnh An Giang cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đến hết năm 2022 đối với “Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động” tại khoản 3 Chương II, Nghị quyết 68.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội của An Giang khá tốt nhưng còn chưa linh hoạt; đề nghị tỉnh An Giang cần triển khai chi hỗ trợ sớm cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, không để họ phải chờ đợi quá lâu.

Về thị trường lao động, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị An Giang cần rà soát, cập nhật, thống kê trình độ của số lao động mới về địa phương để phân loại số lượng có trình độ, tay nghề, lao động phổ thông, kết nối người lao động với doanh nghiệp trong tỉnh. Theo đó, tỉnh An Giang cần chủ động kết nối, giới thiệu việc làm cho những lao động muốn trở lại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... làm việc.

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
An Giang tăng cường kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
An Giang tăng cường kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Tỉnh An Giang đang từng bước dỡ bỏ giãn cách xã hội chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN