45 năm bảo tồn, phát huy khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hội thảo khoa học "45 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2014) đã diễn ra sáng 5/9 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nhà nghiên cứu, khoa học trên nhiều lĩnh vực và cán bộ của Khu di tích qua nhiều thời kì. Đây là hoạt động thiết thực do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức nhân kỉ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới 45 năm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Hội thảo là diễn đàn quan trọng, góp phần khẳng định các giá trị nổi bật và ý nghĩa to lớn của Khu di tích, sự cố gắng, tận tụy, tình cảm gắn bó, tinh thần trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, người lao động trong Khu di tích trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di sản Bác Hồ để lại. Hội thảo cũng là dịp tổng kết kinh nghiệm thực tế, cập nhật, bổ sung các nguồn tài liệu, kết quả nghiên cứu mới nhất về Khu di tích, làm cơ sở khoa học đề xuất các định hướng phát huy giá trị của Khu di tích trong thời gian tới.

Tại hội thảo này, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, trong đó nêu rõ những đặc điểm nổi bật liên quan đến đạo đức, tư tưởng, tác phong của Bác Hồ gắn với từng điểm di tích, kỉ vật mà Người để lại tại Khu di tích cũng như các nguồn tư liệu khác. Nhiều ý kiến khác đề cập đến những khó khăn, tác động bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích; các giải pháp mang tính định hướng để bảo tồn lâu dài...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/2013. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất khi qua đời đã để lại cho dân tộc Việt Nam một khối di sản vô giá, trong đó có Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch. Đây là nơi Bác Hồ đã sống, làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969).

Trong Khu di tích có các di tích bất động sản, tài liệu, hiện vật gốc và môi trường cảnh quan. Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật đều chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau, là minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Bác Hồ cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân. Ngay sau khi Người qua đời, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định bảo quản khu lưu niệm, các di tích, hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bày tỏ lòng biết ơn, đời đời ghi nhớ công lao của Người, động viên toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác Hồ. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Di chúc lịch sử, để lại cho đời sau những lời căn dặn tâm huyết....

Xét trên góc độ bảo tàng học, Khu di tích có những đặc thù riêng so với nhiều khu di tích khác. Công tác bảo tồn ở đây được thực hiện như là một kho mở hoàn toàn, vừa kết hợp bảo quản gìn giữ với phát huy giá trị. Công tác bảo quản không chỉ thực hiện với các tài liệu, hiện vật mà còn với các ngôi nhà, cảnh quan di tích. Khu di tích thường xuyên đón khách nên công tác bảo tồn, bảo quản khó tiến hành đúng theo quy trình. Các tài liệu, hiện vật luôn chịu áp lực trực tiếp của môi trường tự nhiên, ảnh hưởng gián tiếp từ con người, trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào bảo quản còn hạn chế. Đó là những khó khăn, thách thức nổi bật trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn di sản Bác Hồ để lại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho cá ăn ở Ao cá Bác Hồ. Ảnh: Đức Tám-TTXVN


Tuy nhiên, trong suốt 45 năm qua, tập thể cán bộ, người lao động Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã luôn sáng tạo, linh hoạt kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng khoa học công nghệ, tiên tiến vào công tác bảo quản định kì, chống xuống cấp di tích, lắp đặt thiết bị bảo quản, áp dụng công nghệ khí khô, xử lí thoát nước, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, tu bổ và nâng cấp vườn quả, hút bùn ao cá bằng công nghệ tiên tiến...Đến nay, các công trình, cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời, hoạt động của Bác Hồ trong 15 năm cuối đời vẫn được bảo tồn, bảo quản nguyên trạng.

Toàn bộ không gian khu vực, ngôi nhà, cây hoa, ao cá, đường đi, lối mòn, thảm cỏ... trong Khu di tích đã được định vị chính xác trên bản đồ, được quy hoạch cụ thể, chi tiết. Các cán bộ của Khu di tích cũng đã nỗ lực triển khai các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, truyền đạt tâm hồn, cốt cách, cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với du khách trong nước, quốc tế đến thăm Khu di tích. Nhiều thập kỉ qua, Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Khu di tích mở cửa đón khách thăm quan tất cả các ngày trong năm, từ năm 1970 đến nay đã đón tiếp, phục vụ gần 60 triệu lượt khách thăm quan, học tập trong đó có khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, hàng trăm tổ chức quốc tế. Từ năm 2007, từ khi diễn ra Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi năm Khu di tích đón hơn 2 triệu khách.


Thanh Giang
Nơi gìn giữ những di sản cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nơi gìn giữ những di sản cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, vào ngày ngày cách đây 26 năm, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chính thức được khởi công xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN