3 tình huống phòng chống sốt xuất huyết do virus Ebola

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống sốt xuất huyết do virus Ebola, trong đó đã đưa ra 3 tình huống nhằm phát hiện sớm người nhiễm, xử lý kịp thời không để lây lan, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.

3 tình huống đưa ra cụ thể như sau: Tình huống 1 khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Hà Nội sẽ tập trung giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và nhân viên y tế; tình huống 2 khi đã xuất hiện các ca bệnh nhiễm virus Ebola tại Hà Nội sẽ tiến hành khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng; điều trị tích cực bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và tình huống 3 khi dịch đã lây lan trong cộng đồng, tập trung đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng; giảm tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch Ebola vi rút, điều trị tích cực nhằm hạn chế tử vong do dịch.


Hiện nay, ngành Y tế đang thực hiện tốt việc giám sát hành khách tại cửa khẩu; kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa để cách ly kịp thời, áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola; chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ công tác lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán xác định virus Ebola. 


Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch quốc tế tại sân bay giám sát thân nhiệt của hành khách qua máy đo. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Ngoài ra, rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch theo tình hình dịch; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch cập nhật về các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch; kiện toàn các đội chống dịch cơ động, bổ sung các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp. 


Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân. Thiết lập khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Ebola không để lây nhiễm trong bệnh viện. Ngoài ra rà soát, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán điều trị; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay đã ghi nhận 1.711 trường hợp mắc, 932 tử vong do virus Ebola. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm sốt xuất huyết do virus Ebola. Tuy nhiên, Hà Nội là đầu mối giao lưu trong nước cũng như quốc tế, hàng ngày có 7.000-8.000 khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó có hành khách đến từ vùng có dịch. Theo nhận định, trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận trường hợp nhiễm sốt xuất huyết do virus Ebola.



Tuyết Mai

Bộ Y tế thông báo chi tiết về virus Ebola
Bộ Y tế thông báo chi tiết về virus Ebola

Trước diễn biến nghiêm trọng, phức tạp của bệnh do virus Ebola gây ra, Bộ Y tế đã hướng dẫn công tác chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, nêu rõ các các triệu chứng lâm sàng, việc chẩn đoán các ca bệnh Ebola, các nguyên tắc trong công tác điều trị và phòng lây nhiễm virus Ebola.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN