25 công nhân lao động Việt Nam ở Libya đã về nước

Đúng 13 giờ 18 phút ngày 9/8, chuyến bay mang số hiệu QR 964 của Hãng hàng không Qatar (Ai Cập) đã đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đưa 25 công nhân lao động Việt Nam ở Libya trở về nước.

Nhóm công nhân lao động ở Libya về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Đây là nhóm công nhân làm việc ở thành phố Benghazi (Libya) được đưa về nước khi tình hình chiến sự tại đây ngày càng căng thẳng. Các công nhân này bắt đầu rời Benghazi từ ngày 1/8, được nhập cảnh sang Ai Cập và đi máy bay thương mại từ Cairo về Việt Nam vào 7 giờ tối 8/8 (giờ Ai cập). Do trở về từ khu vực châu Phi nên ngay khi xuống sân bay, các công nhân được kiểm tra thân nhiệt bằng máy để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, cơ quan kiểm dịch không phát hiện công nhân nào có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến dịch bệnh này.

Trong niềm vui được trở về nước, anh Đặng Bá Hợi (50 tuổi) quê ở Nghệ An cho biết, lúc đầu qua bên Libya làm việc, công việc khảo sát, xây dựng nhà cửa của anh tương đối ổn định và thu nhập khá tốt. Thời gian gần đây, tình hình an ninh ở khu vực này rất bất ổn và căng thẳng. Nhiều trường hợp trộm cắp, cướp bóc xảy ra mà không có sự kiểm soát, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi được trở về nước, anh cảm thấy rất phấn khởi.

Hành trình rời Libya về Ai Cập của những người công nhân này đã gặp nhiều khó khăn và vất vả, nhất là khi trải qua 3 đêm, 3 ngày chờ đợi ở cửa khẩu giữa Libya và Ai Cập. "Khi trở về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tôi cảm thấy rất mình may mắn. Chúng tôi rất vui và rất muốn về nhà ngay để gặp vợ và gia đình", anh Nguyễn Đình Sang (27 tuổi) quê ở Nghi Lộc, Nghệ An và anh Nguyễn Văn An (32 tuổi) quê ở Nam Định cùng chia sẻ.

25 công nhân trở về đợt này do Công ty Vinaconecmex và Simco Sông Đà phái cử, Công ty NDCC tại Libya tuyển dụng, nhập cảnh. Là những nông dân nghèo đến từ các tỉnh Nghệ An, Nam Định, để được đi xuất khẩu lao động, hầu hết những công nhân này đã phải vay ngân hàng để chi trả cho các chi phí của chuyến đi. Thời gian làm việc tại Libya của họ mới chỉ được hơn 1 năm trong khi hợp đồng lao động là 2 năm.

Bên cạnh đó, do bất ổn chính trị nên khi rời khỏi Libya, chủ công ty tại Libya vẫn nợ công nhân hơn 1 tháng lương. Vì vậy, dù vui mừng vì được đoàn tụ với gia đình, nhiều công nhân vẫn đang lo lắng khi chưa biết phải kiếm tiền từ đâu để trả khoản nợ ngân hàng...

Ngay sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, các công ty đã tiếp tục hỗ trợ cho các công nhân trở về nhà.


H.Chung (TTXVN)

Lao động Việt Nam bắt đầu rời Libya qua ngả Ai Cập
Lao động Việt Nam bắt đầu rời Libya qua ngả Ai Cập

Kế hoạch sơ tán 682 lao động Việt Nam khỏi Libya bằng đường không qua ngả Ai Cập đã bắt đầu được thực hiện dưới sự phối hợp giữa nhà thầu Hàn Quốc Hyundai Amco với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, công ty Vinaconex và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN