15 triệu lượt ý kiến xây dựng Hiến pháp

Chiều 25/3, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số tỉnh, thành phố và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội thảo.


Theo Dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ, tính đến ngày 25/3, Bộ Tư pháp đã nhận được 29/30 báo cáo kết quả lấy ý kiến các bộ, ngành; 59/63 báo cáo kết quả lấy ý kiến của địa phương với tổng số 88 báo cáo, ước tính khoảng 5.000 trang. Kết quả tổng hợp cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 28.014 cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 15 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Về cơ bản, việc lấy ý kiến và gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến về Bộ Tư pháp được thực hiện đúng thời hạn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành địa phương gửi báo cáo muộn, thậm chí chưa gửi báo cáo.


Dự thảo Báo cáo của Chính phủ đề xuất nhiều điểm nhằm tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các kiến nghị, đề xuất chủ yếu đề cập đến nhóm quy định về Chính phủ và chính quyền địa phương: Xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất; tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phải thể hiện rõ mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực. Dự thảo Báo cáo cũng đề nghị bổ sung quyền của Chính phủ đề xuất với Quốc hội xem xét lại dự án luật chưa đảm bảo tính khả thi; bổ sung chế độ báo cáo của Bộ trưởng trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý…


Đối với chính quyền địa phương, Dự thảo Báo cáo cũng kiến nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ quy định khái quát Ủy ban hành chính chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo luật định…


Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý Nhà nước đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nhóm vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, cũng như vị trí, vai trò của Chính phủ trong hệ thống bộ máy Nhà nước; tạo những đột phá để hoàn thiện mô hình Chính phủ theo hướng chủ động, linh hoạt hơn với đủ các thẩm quyền để quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.


Đánh giá tổng quan Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, về cơ bản, Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thời gian qua. Dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu; các ý kiến được tổng hợp một cách trung thực, đầy đủ, khách quan theo đúng Hướng dẫn số 239 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức thể hiện trong Dự thảo Báo cáo cũng như ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các ý kiến đóng góp rất sâu sắc, cụ thể, chất lượng cao, thể hiện quá trình nghiên cứu, phân tích, đề xuất một cách khoa học, có tính hệ thống. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu và tổng hợp để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức một phiên họp chuyên đề để xem xét một cách toàn diện, khách quan và bàn bạc thông qua dự thảo quan trọng này.

Hoàn thiện quy định về quyền hạn của Quốc hội


Ngày 25/3, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả các nghiên cứu chuyên đề phục vụ việc sửa đổi Hiến pháp 1992 (HP), bao gồm: Xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (QH) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); chế định về chính quyền địa phương và quy định về hai thiết chế độc lập (cơ quan bảo vệ HP chuyên trách và Hội đồng bầu cử quốc gia).


Nhóm nghiên cứu nhất trí cao cần phải đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của QH, UBTVQH theo quan điểm: Xác định nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH theo 2 nhóm: Nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH có được từ sự “ủy quyền lập pháp” của QH, liên quan đến thực hiện cả 3 chức năng của QH. Nhiệm vụ, quyền hạn “độc lập” của UBTVQH có được từ vị trí đặc thù là cơ quan thường trực của QH, nhằm bảo đảm và duy trì hoạt động thường xuyên của QH.


Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan này trong mối quan hệ ủy quyền lập pháp, bao gồm 6 nội dung: Về thẩm quyền giải thích HP; thẩm quyền giải thích luật; thẩm quyền ban hành văn bản; quyết định địa giới hành chính dưới cấp tỉnh; quyết định nhân sự cấp cao và về thẩm quyền giám sát tối cao. Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH được Hiến định nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của QH trong điều kiện QH chưa hoạt động thường xuyên, nhóm chuyên gia đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: Không nên quy định UBTVQH lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH mà giữ nguyên như HP 1992 bởi UBTVQH không phải là “QH thu nhỏ”, “cấp trên” các cơ quan của QH nên không thể và không có khả năng để lãnh đạo các cơ quan này mà giữ vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của QH. Bên cạnh đó, cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH để duy trì hoạt động thường xuyên của QH bằng cách mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH với các chủ thể khác có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến QH (như Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…) cũng như tạo sự liên kết giữa các đại biểu QH với nhau và với các thiết chế khác có liên quan.


Đề cập hai thiết chế độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và cơ quan bảo vệ HP, các chuyên gia cho rằng, việc thành lập Hội đồng bầu cử theo xu hướng của mô hình cơ quan bầu cử độc lập xuất phát từ những ưu điểm vượt trội trên 3 phương diện: Bảo đảm tốt hơn tính độc lập, khách quan, vô tư; bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp của bầu cử; môi trường làm việc thúc đẩy sự hợp tác và tính chuyên nghiệp. Việc hiến định cơ quan bầu cử quốc gia thể hiện một bước tiến trong lịch sử lập hiến nước ta, thể hiện cam kết dân chủ hóa đời sống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.


Các chuyên gia cũng kiến nghị xây dựng một cơ quan bảo vệ HP chuyên trách, độc lập, thể chế đồng bộ, thống nhất, rõ ràng và phương thức hoạt động mang tính tố tụng HP - có thể có tên gọi là tòa án HP, không thuộc hệ thống tòa án mà là cơ quan độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, có sứ mệnh bảo vệ HP, là cơ quan vừa mang tính chính trị vừa mang tính tài phán HP.

Quang Vũ - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN