Nga trục xuất quan chức ngoại giao Thụy Điển

Ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết một nhà ngoại giao nước này đã bị trục xuất khỏi Moskva, động thái này nhằm trả đũa động thái tương tự gần đây của Thụy Điển.

Đại sứ quán Thụy Điển tại Moskva.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển Johan Tegel nói: "Chính phủ Nga đã thông báo với chúng tôi một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Thụy Điển (ở Moskva) phải rời khỏi Nga. Họ tuyên bố đây là hành động nhằm đáp trả quyết định của Thụy Điển trục xuất một nhà ngoại giao Nga".

Ông Tegel cho biết thêm nhà ngoại giao Nga bị trục xuất vì có những "hành động không phù hợp với Công ước Vienna" nhưng không nói rõ đó là những hành động gì và thời gian mà quan chức này phải rời đi. Danh tính và chức vụ của hai nhà ngoại giao Nga và Thụy Điển nêu trên cũng không được tiết lộ.

Theo người phát ngôn này, hiện còn quá sớm để đánh giá quyết định trên của Moscow sẽ tác động như thế nào đối với quan hệ giữa hai nước.

IMF: Trừng phạt của Phương Tây có thể khiến Nga mất 9% GDP

Trong một diễn biến khác cùng ngày 3/8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các biện pháp trừng phạt của Phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine rốt cuộc có thể khiến Nga phải hứng chịu thiệt hại ở mức tương đương 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo IMF, tác động của các biện pháp trừng phạt đối với khả năng tiếp cận các thị trường tài chính của Nga từ bên ngoài sẽ kéo dài. Định chế này cũng dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng “yếu” vào khoảng 1,5%/năm trong trung hạn. Nước này đã tăng trưởng khoảng 7%/năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý kinh tế Nga sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm tới do đồng ruble suy yếu đã giúp Nga nâng cao khả năng cạnh tranh, trong khi nhu cầu thị trường nước ngoài gia tăng và tình hình tài chính trong nước ổn định trở lại. IMF ước tính GDP của Nga sẽ tăng 0,2% vào năm 2016 sau khi giảm 3,4% trong năm nay.

Ngoại trưởng Nga tiếp thủ lĩnh Hamas

Cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal tại Qatar và mời ông này tới thăm Moskva, trong một động thái ngoại giao thể hiện sự hoan nghênh phong trào Palestine bị Phương Tây tẩy chay này.

Theo một quan chức Hamas ở Gaza, phái đoàn do ông Meshaal dẫn đầu đã thông tin khái quát cho Ngoại trưởng Lavrov về tình hình tại dải đất này sau cuộc chiến với Israel hồi mùa Hè năm 2014.

Ông Meshaal cũng đã thảo luận với Ngoại trưởng Lavor về “chủ nghĩa khủng bố Do Thái ở Bờ Tây và các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các địa điểm của người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Jerusalem”. Động thái này diễn ra 3 ngày sau khi các tay súng tình nghi là người Do Thái giết hại một em bé Palestine.

Quan chức trên đồng thời cho biết Ngoại trưởng Nga đã mời lãnh đạo Hamas tới thăm Moskva và phong trào này đã nhận lời mời. Ngày giờ của chuyến thăm sẽ được ấn định sau. Ông Meshaal đã từng đến Nga vào các năm 2006 và 2010.

TN (Theo AFP, Reuters)
Thụy Điển lại "hớ" vì cáo buộc tàu ngầm Nga xâm nhập
Thụy Điển lại "hớ" vì cáo buộc tàu ngầm Nga xâm nhập

Nhiều tháng sau khi cáo buộc tàu ngầm Nga “lượn lờ” ở lãnh hải Thụy Điển, Stockholm lại vội vã khẳng định đã tìm thấy một xác tàu ngầm của Nga ở nước này nhưng sự thật đằng sau nó lại hoàn toàn khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN