11:07 09/11/2016

Thời cơ phát triển lụa Vạn Phúc - Bài cuối

Vạn Phúc là một trong những làng nghề hiếm hoi của nước ta đến nay vẫn phát triển nghề tổ trong dòng chảy thương mại hóa với 150 gia đình còn giữ nghề, 8 nghệ nhân và 36 thợ giỏi.

CẦN CÚ HÍCH ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG LỤA

Hiện nay nhiều công ty du lịch, hãng lữ hành khẳng định tiềm năng phát triển du lịch của làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc rất lớn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả. Vấn đề đặt ra cho nhà quản lý và người làng nghề lụa Vạn Phúc là phải làm gì để đi lên và mang lại giá trị kinh tế?

Thiếu sức hút

Vạn Phúc là một trong những làng nghề hiếm hoi của nước ta đến nay vẫn phát triển nghề tổ trong dòng chảy thương mại hóa với 150 gia đình còn giữ nghề, 8 nghệ nhân và 36 thợ giỏi.

Mặc dù được thừa hưởng những tinh túy từ nghề quý của cha ông, song để giữ vững và phát triển được thương hiệu làng nghề trong nhịp sống thương mại hóa là cả một vấn đề khó khăn. Nhất là hiện nay, nghiệp canh cửi ở làng Vạn Phúc đang lâm vào thế "rối như tơ vò" trước sự cạnh tranh khốc liệt về mẫu mã, giá cả của lụa Trung Quốc và những hạn chế khiến khách du lịch không tới đây tham quan.

Theo anh Nguyễn Hải Anh, Công ty du lịch Hải Dương, hiện nay mặc dù công ty rất muốn đưa du khách về những điểm du lịch làng nghề để tham quan mua sắm song tại những nơi này không có nhiều điểm tham quan hấp dẫn. “Chúng tôi đã đưa khách đến thì phải giúp họ gắn kết được với văn hóa, lịch sử, cũng như cảnh quan, thậm chí là phong tục, tập quán, ẩm thực của những người dân làng nghề đó. Như vậy, mới đúng nghĩa là không gian làng nghề truyền thống. Nếu chỉ có các sản phẩm nghề và mang những sản phẩm đó ra cửa hàng bày bán giới thiệu... thì quá bình thường”, anh Hải Anh chia sẻ.

Chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch ở làng lụa Vạn Phúc.

Chị Phạn Thu Giang, Công ty du lịch Hà Nội cho rằng: “Hiện nay ở làng lụa Vạn Phúc vẫn phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng. Ngoài những hộ theo diện được quy hoạch thì số còn lại là tự phát, manh mún và thiếu chuyên nghiệp. Nhiều sản phẩm cho khách du lịch vừa thiếu vừa yếu, dịch vụ thì vẫn còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng và giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch”.

Chính những thực tế trên đã khiến làng lụa Vạn Phúc gần đây dần thưa vắng khách đến tham quan du lịch. Bản thân các đơn vị du lịch, hãng lữ hành rất muốn đưa khách tham quan làng nghề, nhưng vì số lượng khách đăng ký quá ít nên họ thường phải kết nối với nhau để ghép khách tới các điểm tham quan này.

Cần có bước đột phá mới

Mới đây, chủ trương "Đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại hai điểm làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc" của TP Hà Nội đã được phê duyệt với kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho du lịch làng nghề phát triển toàn diện hơn nữa.

Theo ông Đỗ Văn Thúc, nguyên Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa tơ tằm Hà Nội: “Mỗi năm có khoảng 10.000 khách du lịch đến Vạn Phúc. Đây là một con số còn quá nhỏ so với kỳ vọng. Bên cạnh đó việc đưa khách đến với lụa Vạn Phúc còn cần nhiều yêu tố khác như phải có đền chùa, điểm tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, bãi đậu xe... Hơn nữa, điều này còn tùy thuộc vào cả hướng dẫn viên du lịch, họ có mặn mà với việc dẫn khách đến đây mua sắm, tham quan hay không”. Nói về đề án phát triển làng nghề truyền thống Vạn Phúc kết hợp du lịch, ông Thúc bày tỏ sự hài lòng và cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn của thành phố.

Một cửa hàng bày bán sản phẩm và kết hợp du lịch tại làng nghề lụa Vạn Phúc.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc: “Để thực hiện chủ trương của TP Hà Nội phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch làng nghề lụa Vạn Phúc, chúng tôi đã cho dừng tất cả các dự án đơn lẻ trong khu vực để nghiên cứu tổng thể và phối hợp với quận để thống nhất các phương án thực hiện. Sau khi chọn nhà thầu, đơn vị thiết kế thì Vạn Phúc sẽ có bãi xe, khu ẩm thực, giao thông, khu vui chơi giải trí, khu vực bày bán giới thiệu sản phẩm, nhà truyền thống làng nghề...”.

Nói về đề án phát triển làng nghề Vạn Phúc, ông Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng: “Nhiệm kỳ Đại hội trước của quận Hà Đông đã xây dựng đề án phát triển thương mại dịch vụ. Trong đó đề cập đến quá trình Hà Nội đô thị hóa, cần phát triển thương mại dịch vụ. Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi cũng đã ban hành đề án mới tiếp tục đề án cũ, trong đó có đề cập sâu hơn đến làng nghề Vạn Phúc, vì trong năm vừa qua lượng khách du lịch đến Hà Nội và tới Vạn Phúc tham quan khá cao”.

“Gần đây nhất, TP Hà Nội có thông báo lấy hai làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng làm điểm nhấn phát triển du lịch. Để triển khai chương trình này, thành phố có chủ trương thuê tư vấn, trong đó thuê cả người nước ngoài để quy hoạch tổng thể lại làng lụa Vạn Phúc. Khi được quy hoạch thì tại Vạn Phúc sẽ đầy đủ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... Còn việc thực hiện, thành phố vẫn đang trong quá trình triển khai. Về góc độ quận, chúng tôi luôn xác định làng lụa Vạn Phúc là nơi có lịch sử phát triển hơn ngàn năm, đây là một trong những giá trị vô giá nên chúng tôi đặc biệt quan tâm”, ông Thanh cho biết.

“Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Khi tham gia tour du lịch làng nghề, khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống. Bằng sự nhạy bén, thông qua hoạt động phục vụ du lịch, một số nghề thủ công truyền thống sẽ có khả năng phát triển như Vạn Phúc, mang lại nguồn thu cho người dân ở khu vực này”. 

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam


Bài ảnh: Việt Hoàng