03:08 20/03/2012

Thoát nghiện, sẽ thoát được nghèo

Từ năm 2008 đến năm 2011, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc (UBDT) triển khai dự án “Phòng chống lạm dụng ma túy và HIV trong đồng bào DTTS Tây Bắc Việt Nam”.

Nhằm ngăn chặn sự gia tăng tình trạng lạm dụng ma túy và tác hại của ma túy gây ra trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS), từ năm 2008 đến năm 2011, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc (UBDT) triển khai dự án “Phòng chống lạm dụng ma túy và HIV trong đồng bào DTTS Tây Bắc Việt Nam” (gọi tắt là VNM/J04). Theo đánh giá của các ngành chức năng, sau 4 năm triển khai dự án, ý thức của đồng bào các dân tộc tại các xã, phường thực hiện dự án đã được nâng lên và chuyển biến rõ rệt.

Nguy cơ tiềm ẩn

Từ lâu, địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng ma túy, đi kèm với đó là lây nhiễm HIV/AIDS. Loại ma túy phổ biến nhất là hêrôin, việc sử dụng các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) cũng đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Theo ước tính, ở nước ta có khoảng 50% số người sử dụng ma túy có độ tuổi từ 18-25 và 94% là nam giới. Tội phạm có liên quan đến ma túy đang gia tăng và song hành với đó là sự kỳ thị đối với người nghiện ma túy. Những người sử dụng ma túy, ngay cả sau khi đã được điều trị hồi phục vẫn thường bị cộng đồng xa lánh.

Tiến sĩ Kim Hoffman, cơ quan UNODC chỉ rõ: Trong những năm 1990, Chính phủ Việt Nam phát động một chiến dịch lớn để xóa bỏ cây thuốc phiện trong khu vực. Trong vòng hơn một thập kỷ, chiến dịch này đã làm giảm rất nhiều diện tích trồng cây thuốc phiện, xuống chỉ còn dưới 1% so với trước kia. Việc can thiệp vào khía cạnh “cung” tuy đã có tác dụng, nhưng khía cạnh “cầu” ma túy vẫn không giảm. Hoạt động buôn bán ma túy ngày càng phức tạp, việc sử dụng ma túy cũng đang nhanh chóng chuyển sang dạng tiêm chích để thích ứng khi nguồn “cung” hạn chế. Có khoảng 1/3 số người nghiện ma túy trong cả nước sinh sống ở vùng cao, và tỷ lệ bị nhiễm HIV là 30% trong số những người tiêm chích.

Nhiều người nghiện ở Lào Cai quyết tâm đoạn tuyệt ma túy bằng cách thiêu hủy dụng cụ chích, hút. ảnh: CTV


Đất đai cằn cỗi và tình trạng kém phát triển đã gây ra những thách thức lớn trong việc hỗ trợ can thiệp có hiệu quả tại những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của các chương trình phòng chống lạm dụng ma túy và HIV trong đồng bào DTTS. Các dự án cần được chia ra nhiều giai đoạn để Nhà nước kiểm soát được tình trạng lạm dụng ma túy vì đồng bào DTTS thường không được tiếp cận nhiều với hệ thống y tế và chăm sóc khác.

Được UNODC tài trợ trên 1,8 triệu USD, cùng với nguồn vốn đối ứng của Chính phủ hơn 3,6 tỷ đồng, dự án VNM/J04 đã được triển khai tại 27 xã thuộc bốn tỉnh là Sơn La, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái.

Hiệu quả của CLB sau cai

Dự án VNM/J04 đã đánh giá cơ bản hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV trong đồng bào DTTS, từ đó giúp cho các chương trình phòng chống, can thiệp lạm dụng ma túy, HIV dựa vào cộng đồng được thực thi; cơ sở hạ tầng phục vụ công tác cai nghiện ma túy và phòng chống tái nghiện dựa vào cộng đồng được xây dựng và đưa vào sử dụng. Các chương trình về hỗ trợ lực lượng công an dựa vào cộng đồng cũng đã được phát triển và thực hiện. Từ đó, các hoạt động như cai nghiện, quản lý câu lạc bộ (CLB) sau cai, truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm hại, thông tin cộng đồng, tập huấn nâng cao năng lực và hoạt động tài chính vi mô được triển khai có hiệu quả.

Theo đánh giá của các tỉnh Lào Cai, Sơn La và Yên Bái, sau khi được cai nghiện tại cộng đồng, tỷ lệ người tái nghiện rất ít. Có được kết quả này là do các tỉnh đã thành lập được CLB sau cai và duy trì hoạt động tốt. Cách làm của tỉnh Lào Cai là một ví dụ, đó là quản lý và giúp đỡ người nghiện sau khi cai nghiện để hạn chế tái nghiện. Các đoàn thể, chính quyền và gia đình là cầu nối giúp đỡ người nghiện ổn định đời sống, tránh được những nguy cơ dẫn đến tái nghiện. Mỗi CLB có một ban chủ nhiệm với 5-7 thành viên và duy trì sinh hoạt tổ CLB hằng tuần tại thôn, bản và hằng tháng tại nhà CLB của xã. Hiện tại, các CLB này đang duy trì sinh hoạt tại 5 xã của huyện Bát Xát với 274 hội viên. Đặc biệt trong số này có nhiều hội viên tham gia thường xuyên và trở thành những cán bộ xã, cán bộ thôn và là những đồng đẳng viên gương mẫu, hoạt động sôi nổi, nhiệt tình giúp đỡ những người đã từng lầm đường tìm lại cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Do làm tốt công tác quản lý sau cai gắn với tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm và cho vay vốn, nên nhiều hộ gia đình người sau cai nghiện đã ổn định cuộc sống, không còn đói nghèo như khi nghiện. Điển hình như trường hợp Trần Văn Tình, Lù Văn Phủng (xã Trịnh Tường), Lý Thị Mẩy (xã Mường Hum)…

Ở Sơn La thì việc thành lập các CLB sau cai nghiện lại do Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách khối văn hóa – xã hội làm chủ nhiệm, các ban, ngành, đoàn thể là thành viên. Đây cũng là cách để CLB theo dõi, phát hiện và tư vấn cho người cai nghiện tốt hơn. Nội dung sinh hoạt CLB quản lý sau cai tập trung vào kiểm điểm kết quả phấn đấu của các thành viên, chia sẻ động viên, hỗ trợ nhau để vượt lên chính mình, từ bỏ ma túy, phòng, chống tái nghiện. Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và tuyên truyền tác hại của hiểm họa ma túy và HIV đối với sức khỏe con người và xã hội để mọi người cùng chung tay trong công tác phòng, chống tái nghiện. Trong 3 năm (2008-2010), 7 CLB quản lý sau cai của tỉnh Sơn La đã tổ chức 147 buổi sinh hoạt với gần 3.500 lượt hội viên tham gia, 25 CLB theo bản, tiểu khu, tổ dân phố tổ chức 350 buổi sinh hoạt với trên 5.700 lượt hội viên tham gia sinh hoạt.

Thoát nghiện - thoát nghèo

Với phương châm “thoát nghiện - thoát nghèo”, hoạt động tài chính vi mô không chỉ góp phần hoàn thành mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS mà còn nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc trên địa bàn dự án triển khai.

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, cho biết: Tỉnh Lào Cai triển khai hoạt động tín dụng vi mô cho các hội viên vay vốn theo quy trình nghiêm ngặt. Đó là, phải tham gia theo nhóm, cụm và phải tình nguyện tham gia trả gốc, lãi, tiết kiệm hàng tháng và trưởng nhóm phải có trách nhiệm khi thành viên của mình chậm trả. Do đó đã tăng tính chủ động, có kế hoạch và tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau trong hội viên, cộng đồng dân cư. Từ nguồn vốn vay tín dụng, đã hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho 13 gia đình hội viên, trợ cấp tai nạn rủi ro và chữa bệnh hiểm nghèo cho 8 gia đình hội viên, hỗ trợ đời sống cho hơn 30 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các ngày lễ, tết. Tại các xã triển khai, đã có 205 hộ nghèo, hộ có người sau cai nghiện được vay vốn, với tổng số tiền gần 270 triệu đồng. Gần 400 lượt hộ được vay vốn quay vòng với tổng số tiền quay vòng là 410 triệu đồng.

Theo chuyên gia Arie Rahadi của tổ chức UNODC, trong số tất cả các chương trình hoạt động của dự án VNM/J04, hoạt động tiếp cận cộng đồng của đồng đẳng viên và tín dụng vi mô được đánh giá là những hoạt động có đóng góp quan trọng nhất đối với đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của dự án chưa được khẳng định toàn diện do thiếu giám sát phối hợp hành vi và sinh học, chưa có phương pháp tin cậy cho công tác báo cáo tỷ lệ tái nghiện trong khi trọng tâm dự án thay đổi qua từng giai đoạn, khiến quá trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược bị gián đoạn và gây ảnh hưởng tới nguồn lực địa phương vì sự bền vững lâu dài của dự án.

Dự án “Phòng chống lạm dụng ma túy và HIV trong đồng bào DTTS Tây Bắc Việt Nam” đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn. Ý thức của đồng bào các dân tộc tại các xã, phường thực hiện dự án đã được nâng lên và chuyển biến rõ rệt. Thông qua các buổi truyền thông tại cộng đồng và biểu diễn văn nghệ với chủ đề tuyên truyền phòng chống ma túy và HIV/AIDS của dự án được tổ chức trực tiếp tại xã, bản được đông đảo nhân dân địa phương tham gia. Đồng bào các dân tộc tại các xã thực hiện dự án đã giác ngộ và nhận thức sâu sắc về tác hại, hiểm họa của ma túy và HIV/AIDS, tích cực tham gia thực hiện dự án tại địa phương. Từ đó, góp phần có hiệu quả vào việc ngăn chặn sự lây lan của tệ nạn lạm dụng ma túy và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ở tại địa phương thực hiện dự án. Đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản, đã được tập huấn nâng cao năng lực, từ đó trình độ của họ đã được nâng lên, biết cách quản lý, điều hành; đặc biệt là đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng trong công tác truyền thông, tư vấn, vận động đồng bào tham gia vào công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS.

Phong trào phòng chống lạm dụng ma túy và phòng chống lây nhiễm HIV, phòng chống tái nghiện đã được đồng bào các dân tộc tích cực tham gia thực hiện. Đặc biệt, các hoạt động giảm hại như trao đổi bơm kim tiêm sạch, cấp phát bao cao su trước đây đồng bào có nhiều định kiến, đến nay đã trở thành công việc cần thiết và phải làm để phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Theo đánh giá của Viện vệ sinh dịch tễ và các tổ chức quốc tế về chỉ số sinh học của tất cả các xã có dự án triển khai so với những xã không triển khai, thì ý thức của người dân đã nâng lên. Đặc biệt những cán bộ cấp cơ sở và những tình nguyện viên, đồng đẳng viên (100% là đồng bào DTTS) đã được tập huấn nâng cao năng lực và họ đủ sức để điều hành trung tâm hoạt động. Đây chính là tính bền vững của dự án.

Ông Lò Giàng Páo, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc (UBDT): Ở vùng miền núi, việc tái trồng cây thuốc phiện như một thứ cây truyền thống đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người cao niên vùng đồng bào DTTS, cần được vận động xóa bỏ.

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai: Tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện VNMJ04 trên địa bàn 8 xã của hai huyện Bát Xát và Sa Pa bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng người nghiện, giảm tỷ lệ tái nghiện xuống thấp hơn nhiều so với trung bình của tỉnh. Người dân vùng dự án được tiếp cận các dịch vụ giảm hại, số người sau cai nghiện được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Những kết quả của dự án, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Viết Tôn