08:11 29/08/2014

Thỏa thuận mong manh tại Gaza

Tình hình chiến sự tại Dải Gaza đã lắng dịu sau khi Israel và Palestine cùng nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn "vô thời hạn". Nhưng liệu bầu không khí hòa bình hiện nay sẽ kéo dài bao lâu khi cả Israel và Hamas chưa đạt được những mục tiêu chính của mình?

Tình hình chiến sự tại Dải Gaza đã lắng dịu sau khi Israel và Palestine cùng nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn "vô thời hạn" có hiệu lực từ tối 26/8, chính thức chấm dứt hơn 7 tuần xung đột đẫm máu.

Người dân Palestine vui mừng vì hiệp ước ngừng bắn mới Ảnh: AFP/TTXVN


Theo thỏa thuận ngừng bắn mới, Israel chấp nhận nới lỏng kiểm soát hai cửa khẩu cho hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ và vật liệu để tái thiết Dải Gaza, đồng thời mở rộng phạm vi đánh bắt cá ngoài khơi vùng đất này của Palestine. Việc mở lại sân bay, cảng biển và phi quân sự hóa Dải Gaza cũng như việc phóng thích các tù nhân Palestine và trao trả thi hài binh sĩ Israel sẽ được hai bên thảo luận trong các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong vòng một tháng tới.

Chiến dịch "Vành đai bảo vệ" do quân đội Israel phát động ngày 8/7 vừa qua là chiến dịch quân sự kéo dài và đẫm máu nhất kể từ năm 2009. Theo thống kê chính thức, giao tranh ác liệt kéo dài suốt 50 ngày qua đã làm hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng, khoảng 11.000 người bị thương, phần lớn là dân thường vô tội như phụ nữ và trẻ em. Hơn 17.000 căn nhà và 58 bệnh viện tại Dải Gaza bị phá hủy trong khoảng 5.300 đợt pháo kích và không kích của quân đội Israel, hơn 1/4 trong tổng số 1,8 triệu người dân sinh sống tại dải đất này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Israel cũng chịu tổn thất nặng nề so với hai chiến dịch quân sự do nước này phát động vào năm 2012 và cuối năm 2008, với tổng cộng 64 binh sĩ và 7 dân thường thiệt mạng.

Thỏa thuận mang tính đột phá trên đạt được sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao con thoi không có kết quả, bất chấp sự can dự tích cực của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các nước Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều đối tác khu vực. Các thỏa thuận ngừng bắn liên tiếp bị phá vỡ, nhiều vòng đàm phán tại Thủ đô Cairo dưới sự trung gian của Ai Cập bị bế tắc do cả Israel và phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza không sẵn sàng với các nhượng bộ lớn. Tuy nhiên, cuối cùng, nỗ lực của các bên cũng đã mang lại kết quả với một thỏa thuận ngừng bắn “vô thời hạn”.

Tuy nhiên, liệu bầu không khí hòa bình hiện nay sẽ kéo dài bao lâu khi cả Israel và Hamas chưa đạt được những mục tiêu chính của mình? Liệu hai bên có thực sự muốn chấm dứt xung đột "vô thời hạn" hay chỉ tạm thời hòa hoãn cho tới vòng đàm phán cam go vào cuối tháng 9 tới? Và liệu họ có tiếp tục tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn nếu đàm phán bị đổ vỡ?

Hamas đặt mục tiêu buộc Tel Aviv phải dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa áp đặt từ 8 năm nay tại Dải Gaza. Họ gần như không có gì để mất sau khi buộc phải từ bỏ quyền lực, chấp nhận tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo. Phong trào Hồi giáo này ngày càng bị cô lập trong khu vực, nhất là khi chính quyền của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) bị lật đổ trong cuộc chính biến mùa hè năm ngoái. Chính quyền mới ở Ai Cập đã ra lệnh khóa chặt cửa khẩu Rafah - tuyến giao thương duy nhất giữa Gaza với thế giới bên ngoài không do Israel kiểm soát - đồng thời phá hủy hàng trăm đường hầm buôn lậu vốn được xem là nguồn thu chính của Hamas.

Nhân viên Bộ Ngoại giao Ecuador đóng gói hàng viện trợ ở Quito ngày 27/8 để chuyển cho người dân Palestin ở Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN


Thỏa thuận ngừng bắn ngày 26/8 vừa qua được cho là có nội dung không khác mấy so với bản thỏa thuận năm 2012. Cánh cửa vào Gaza - nơi được mệnh danh là "nhà tù lớn nhất thế giới" - chỉ vừa hé mở đôi chút, trong khi Israel và Ai Cập vẫn chia nhau nắm giữ "chìa khóa". Tel Aviv ít có khả năng đáp ứng các yêu sách chính của Hamas, trong đó có việc mở lại sân bay và cảng biển tại Gaza, nếu các phong trào vũ trang tại vùng đất này không được giải giáp. Ngoài ra, trong trường hợp được mở lại theo Thỏa thuận Oslo năm 1967, hai tuyến giao thương mới này cũng sẽ được đặt dưới quyền kiểm soát của quốc tế.

Trong khi đó, Ai Cập cho biết sẽ chỉ mở cửa khẩu Rafah và giao quyền quản lý cửa khẩu này cho phong trào Fatah - đối thủ cạnh tranh của Hamas. Điều đó sẽ không giúp gì nhiều cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính mà Hamas đang phải đối mặt. Với tình hình đó, liệu Hamas có chấp nhận để mất quyền kiểm soát Dải Gaza và ngồi yên nhìn chiếc vòng kim cô mỗi lúc một thắt chặt trên đầu mình?

Không loại trừ khả năng Israel và Palestine lại rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, nhất là khi vòng đàm phán dự kiến vào tháng 9 tới bị đổ vỡ. Hòa bình giữa hai bên chỉ thực sự có được khi nguyên nhân gốc rễ của các cuộc xung đột được giải quyết triệt để.


Hữu Chiến (Phóng viên TTXVN tại Cairo)