02:12 15/02/2015

Thỏa thuận hòa bình Ukraine bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực

Chỉ 2 giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, đại diện quân sự của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine Edward Basurin đã cáo buộc phía Kiev vi phạm thỏa thuận này.

Theo hãng tin TASS của Nga, chỉ hai giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào lúc 0h00 giờ ngày 15/2 theo giờ Ukraine (5h00 cùng ngày ở Việt Nam), đại diện quân sự của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine Edward Basurin đã cáo buộc phía Kiev vi phạm thỏa thuận này.

Một binh sĩ của quân đội Ukraine.


Tại cuộc họp khẩn sáng 15/2, ông Basurin cho biết vào lúc 2h00 sáng theo giờ địa phương (khoảng 7h00 ở Việt Nam), quân đội Kiev đã nã đạn cối và đạn pháo vào các cứ điểm của Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng". Cuộc tấn công đã làm các tay súng đòi độc lập ở Donetsk buộc phải nổ súng đáp trả. Người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng Aleksandr Zakhachenk kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn về hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của quân đội Ukraine.

Cùng ngày, lãnh đạo Cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk Aleksei Karjakin cho biết các tay súng tại đây đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã rút pháo binh hạng nặng. Các binh sĩ của chúng tôi ở lại vị trí. Chúng tôi làm tất cả các bước để kết thúc cuộc chiến".

Hôm 12/2, lãnh đạo 4 nước trong nhóm "Bộ tứ Normandy" gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ký Tuyên bố chung dài 4 trang về giải pháp tổng thể dài hạn cho vấn đề Ukraine, trong đó có điều khoản nhất trí hoàn toàn với Giải pháp tổng thể do Nhóm tiếp xúc về Ukraine ký cùng ngày ở thủ đô Minsk của Belarus. Giải pháp tổng thể quy định rõ các bên xung đột ở Ukraine phải thực thi ngừng bắn kể từ 0h00 ngày 15/2 theo giờ Kiev (5h00 cùng ngày ở Việt Nam) và rút các vũ khí hạng nặng khỏi khu vực xung đột Donbass trong vòng 14 ngày kể từ 2 ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Giải pháp tổng thể cũng đưa ra các bước chính trị dài hạn tiếp theo cho Ukraine như cải cách hiến pháp theo hướng có tính tới quyền của người dân Donbass, phân định ranh giới dựa trên cơ sở thống nhất với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông, thực thi các vấn đề nhân đạo cũng như áp dụng luật quy chế đặc biệt cho hai vùng Donetsk và Lugansk.

Cả hai văn kiện trên được coi là một bước tiến lớn cho tiến trình tìm kiếm nền hòa bình lâu dài cho Ukraine sau hơn 10 tháng xung đột ở miền Đông (kể từ tháng 4/2014) làm hơn 5.400 người thiệt mạng và hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tuy nhiên, cũng giống như thỏa thuận được ký tại Minsk ngày 19/9 năm ngoái, thỏa thuận ngừng bắn lần này đã bị vi phạm ngay sau khi có hiệu lực không lâu, làm dấy lên quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường tiếp theo ở quốc gia Đông Âu này.


TTXVN/Tin tức