11:15 16/11/2014

Thiên tài vào hàng xuất sắc nhất của nước Pháp

Trong thế kỷ XVIII, nước Pháp được xem là nước có số lượng vượt trội về các tài năng toán học. Một trong số đó là Jean le Ron D’Alembert..

Trong thế kỷ XVIII, toán vi tích phân giữ vị trí chi phối sự phát triển của toán học. Việc khai phá lý thuyết mạnh mẽ này tiến hành theo hai hướng -  mở rộng và áp dụng vào các phần khác của toán học và vật lý, và xem xét nền tảng logic của nó. Cũng trong thời kỳ này, nước Pháp được xem là nước có số lượng vượt trội về các tài năng toán học. Một trong số đó là Jean le Ron D’Alembert..

Thiên tài toán học nước Pháp Jean le Ron D’Alembert. Ảnh: wikipedia.


Jean le Ron D’Alember sinh vào ngày ngày 16/11/1717 tại Paris, Thủ đô nước Pháp. Ông là con ngoài giá thú của nhà văn Claudine Guesrin de Tencin  và sĩ quan pháo binh Luis-Camus Destouches.

 D’Alembert được một gia đình thợ làm kính nghèo đem về nuôi. Song nhờ người cha đẻ không ngừng bí mật gửi tiền chu cấp, D’Alember được ăn học tử tế tại trường trung học Mazarin nổi tiếng của Paris.

D’Lembert là một học sinh xuất sắc, tuy học ban tú tài triết học nhưng ông lại cảm thấy say mê hình học và toán học. Và kết quả của sự say mê ấy là sự ra đời tác phẩm “Chuyên khảo về tính tích phân”, xuất bản năm 1739, khi ông mới ở tuổi 22. Cũng từ đó, tên tuổi của ông đã được giới toán học biết đến. Hai năm sau, năm 1741, tác phẩm “Về sự khúc xạ của vật rắn” đã là chìa khóa mở ra cánh cửa của Viện Hàn lâm khoa học, lúc đó ông vừa tròn 24 tuổi.

Tuy nhiên, hai năm sau, năm 1743, tác phẩm chính của ông mang tên “Chuyên luận về động lực học” mới ra đời. Trong cuốn chuyên luận này, lần đầu tiên, D’Lembert đưa ra những nguyên lý cơ bản của cơ học cổ điển, trong ấy có một nguyên lý nổi tiếng thường được gọi với cái tên “Nguyên lý d’Alembert”. Đó là Nnuyên lý để giải các bài toán động lực học bằng các phương pháp của tĩnh học.

D’Alembert  là người đầu tiên sử dụng hàm phức để giải một trong những phương trình thủy động học và chứng minh phép tính các đại lượng vô cùng nhỏ bé bằng lý thuyết giới hạn. Công trình cơ bản của ông thuộc các lĩnh vực: Phương trình vi phân, lý thuyết số và đại số.

Ông cũng đề xuất ý kiến cho rằng tĩnh lực học là một trường hợp đặc biệt của động lực học. Cuốn chuyên luận của D’Alembert thực sự đã mở ra một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu các quy luật của thiên nhiên.

Năm 1746, tác phẩm “Chuyên khảo về nguồn gốc tổng quát của gió” được tặng Giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Berlin và D’Alembert được mời tham gia Viện Hàn lâm này. Các tác phẩm tiếp theo của ông là: “Nguyên cứu về các tuế sai” (1749), Tiểu luận về sức cản của chất lỏng (1752).

Là bạn của Voltaire và Diderot, ông đã bị lôi cuốn vào một cuộc biên soạn và xuất bản cuốn Bách khoa toàn khư nổi tiếng thế giới. Ngoài việc biên soạn nhiều bài về khoa học và triết học, D’Alembert chịu trách nhiệm biên tập và hiệu đính toàn bộ phần toán học. Cống hiến quan trọng của D’Alembert là soạn thảo “Lời nói đầu” ngay đầu quyển I của bộ Bách khoa. Với lối viết mạnh lạc và sáng sủa, với tài tổng hợp kỳ diệu, ông đã vẽ nên một bức tranh của toàn bộ tri thức nhân loại, chứng minh sự uyên bác bách khoa của ông.

Với tính cách độc lập và thẳng thắn, vinh quang không làm ông xa rời nếp sống giản dị. Ông đã từ chối lời mời của vua Frederic le Grand làm Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Berlin, cũng như lời mời của Hoàng hậu Catherine Đệ Nhị sang triều đình nước Nga để dạy học cho Hoàng tử. Được tiếp đón long trọng trong các lâu đài, ông vẫn không rời ngôi nhà tồi tàn mà ông đã sống với người mẹ nuôi từ ấu thơ.

Là một nhà toán học lỗi lạc, một nhà bách khoa, D’Lambert còn là một nhà văn tài hoa. Năm 1754, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Văn học Pháp và năm 1772 được cử làm Thư ký vĩnh viễn của Viện. Ông đã viết nhiều tác phẩm văn học và triết học như “Chuyên khoa về triết học, lịch sử và văn học” (1753-1783), “Những nguyên lý của tri thức nhân loại” (1759), “Tiểu luận về xã hội - nhà văn và các ông lớn” (1753), trong đó ông kịch liệt phản đối các nhà văn nấp dưới bóng những bậc quyền thế.

Nhận xét về D’Lembert, Đại văn hào Voltaire viết: “Cái mà tôi vô cùng yêu thích ở D’Alembert là sự trong sáng rõ ràng trong cách viết, cách nói. Ông có thể xem là nhà văn hàng đầu của thế kỷ. Nhà văn Saint- Beuve gọi ông là “một trong những vĩ nhân của thế kỷ XVIII”.

Còn nhà thơ Chateaubriant thì viết “Diderot và D’Alembert là những thiên tài vào hàng xuất sắc nhất mà nước Pháp đã sản sinh ra”.

Ông qua đời vào ngày 29/10/1783 tại Paris, thọ 66 tuổi.

 
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN