06:17 03/06/2015

Thi tuyển đại học bằng đánh giá năng lực là giải pháp đột phá

Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn trao đổi về kết quả bước đầu của một phương thức thi tuyển hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa hoàn thành đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực, lấy kết quả tuyển sinh vào các ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015 về kết quả bước đầu của một phương thức thi tuyển hoàn toàn mới tại Việt Nam, bài học rút ra trong những đợt triển khai tiếp theo.

* Sau 4 ngày tổ chức đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của phương thức thi mới này so với cách thi truyền thống?

Có thể khẳng định đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia Hà Nội là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết, thể hiện vai trò tiên phong của trường trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kỳ thi này được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới thi và đánh giá học sinh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: vnu.edu.vn


Nói một cách tổng quát về phương thức thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là thí sinh thực hiện một bài thi duy nhất, trong một buổi, kiến thức tổng hợp, làm trên máy tính, thí sinh làm đề khác nhau và biết kết quả ngay. Đây là đợt thi đầu tiên, tất cả đều mới mẻ với cả người tổ chức thi và thí sinh. Tuy nhiên, qua 8 buổi thi, phương thức này đã bước đầu thể hiện kết quả tốt, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy mà Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra; phù hợp với sự thích ứng của thí sinh và mối quan tâm của xã hội.

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, tính đến nhiều phương án dự phòng nên kế hoạch thi diễn ra thuận lợi, đạt được những mục tiêu đề ra, không phát sinh sự cố đặc biệt, không phát sinh vấn đề làm ảnh hưởng đến công tác chung của kỳ thi, không phát sinh những vấn đề an ninh, an toàn hay hỏng hóc trang thiết bị.

Qua quan sát quá trình dự thi của thí sinh, có thể nhận thấy các em tham gia với một tâm thế mới, không trông chờ vào phao thi, do đó không phát hiện tiêu cực trong quá trình làm bài thi. Hầu hết các em rất hợp tác, nghiêm túc, tuân thủ hướng dẫn của cán bộ coi thi và quy chế thi. Có một số trường hợp bị kỷ luật đều rơi vào lỗi đáng tiếc là mang điện thoại vào phòng thi, Hội đồng tuyển sinh đã yêu cầu giám thị kịp thời nhắc nhở thí sinh tuân thủ quy chế thi để không xảy ra tình huống tương tự.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 là thành công bước đầu của Đại học Quốc gia Hà Nội trong nỗ lực đổi mới thi cử theo hướng ngày càng khách quan, chính xác, công bằng, minh bạch, thuận tiện, đỡ tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

* Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội?


Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa thống kê chi tiết về các chi phí có thể cắt giảm qua phương thức thi này song có thể thấy rõ nhất là thí sinh chỉ tốn 100.000 đồng lệ phí thi, thi trong 1 buổi nên không tốn tiền thuê phòng nghỉ trong ba ngày. Việc tổ chức thi tại nhiều địa phương cũng giảm chi phí đi lại.

Đối với đơn vị tổ chức thi, việc thi trên nền tảng công nghệ phải có sự chuẩn bị. Trang thiết bị này chỉ phải đầu tư lớn ban đầu, những năm sau chi phí sẽ giảm đi. Đặc biệt, khi Đại học Quốc gia Hà Nội có bộ đề và phần mềm mang thương hiệu riêng, hàng năm thực hiện đổi mới bộ đề với tỷ lệ hợp lý, công nghệ, quy trình đã có sẵn, đem áp dụng cho số đông thì giá thành sẽ càng rẻ.

* Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại học Quốc gia Hà Nội rút ra được những kinh nghiệm gì để có thể tổ chức kỳ thi tốt hơn ở những đợt tiếp theo?

Đây mới là chặng đường đầu tiên trong lộ trình đổi mới phương thức thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, có nhiều việc cần phải tiếp tục thực hiện. Khi thiết kế phương thức thi, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tiếp thu định hướng của kỳ thi đánh giá năng lực, vừa phải tính đến phương án để tương thích với nhịp độ, tiến độ đổi mới trong giáo dục phổ thông, giúp thí sinh có thích ứng tốt và xã hội có thể tiếp nhận được phương thức này. Tuy nhiên, để công tác kiểm tra đánh giá toàn diện hơn, Đại học Quốc gia Hà Nội phải bổ sung, điều chỉnh theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn ở tất cả các khâu, từ phần mềm đến quy chế tuyển sinh, quy trình thao tác, cấu trúc đề thi.

Trong đợt thi đầu tiên này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát ra 1.500 phiếu điều tra, thăm dò phản hồi của thí sinh cùng với việc tiếp tục lắng nghe ý kiến của những nhà chuyên môn, nhà giáo, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội. Qua đó, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo.

* Để tổ chức được phương thức thi mới, việc khó nhất chính là ra đề thi. Xin ông cho biết thêm về nội dung này?


Một trong những vấn đề mất nhiều công sức và phải làm trong nhiều năm của Đại học Quốc gia Hà Nội đó là tạo ra một bộ đề thi có nguồn đủ lớn để mỗi thí sinh có thể làm một đề khác nhau. Điều quan trọng nữa là các đề thi và phần thi trong đề phải cân bằng về độ khó dễ. Chỉ đến thời điểm này, khi lý thuyết khảo thí, kiểm tra đánh giá phát triển đến một độ nhất định, chúng ta mới có thể tiến hành được phương thi thi này.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ về chuyên ngành đo lường, đánh giá trong giáo dục. Vì vậy, nhà trường tập trung được một số lượng lớn các chuyên gia tham gia nghiên cứu và xây dựng đề thi. Nhiều thí sinh đã chia sẻ, giữa đề thi làm thử và đề thi chính thức đều có các khoảng điểm gần giống nhau.

Hiện nay, nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông, với tỷ lệ tập trung nhiều trong chương trình lớp 12 nhưng có thể trong các năm sau sẽ nội dung kiến thức của đời sống, chưa được đề cập đến trong chương trình phổ thông. Tuy nhiên, kỳ thi sẽ không có quá nhiều thay đổi qua các năm, Đại học Quốc gia Hà Nội cố gắng giữ được định hướng, phương pháp, chỉ hoàn thiện dần yếu tố chiều sâu, chi tiết của phương thức này.


Việt Hà (TTXVN)