Vốn mồi bình ổn thị trường từ ngân sách đến xã hội hóa thành công - Bài 2

Khởi động Chương trình Bình ổn thị trường với cơ chế tạm ứng vốn ngắn hạn từ nguồn ngân sách Nhà nước, đến nay bằng chủ trương, chính sách thông qua hoạt động kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc xã hội hóa nguồn vốn, thu hút được nhiều tổ chức tín dụng tham gia cung ứng nguồn vốn để thực hiện chương trình.

Cơ chế tạm ứng vốn phù hợp

Người tiêu dùng mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op mart - TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

TP. Hồ Chí Minh triển khai Chương trình Bình ổn giá từ Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng. Trong đó, thành phố đã giao cho 2 doanh nghiệp Nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài gòn và Công ty Lương thực Thành phố thực hiện với cơ chế tạm ứng vốn trong vòng 3 tháng.

Chương trình được triển khai trong giai đoạn này, theo phương thức doanh nghiệp nhận vốn để thu mua dự trữ những mặt hàng thuộc lĩnh vực kinh doanh của đơn vị, nhằm cung ứng cho thị trường thành phố, góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc biến động giá trong những ngày giáp Tết và cận Tết. Việc hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chủ yếu mang tính chất ngắn hạn, ổn định tâm lý người tiêu dùng là chính.

Qua nhiều năm thực hiện chương trình, đúc kết kinh nghiệm và dựa trên nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết, đến năm 2005, Chương trình Bình ổn thị trường đã từng bước xác định số lượng nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu, gồm 8 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo – nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hoàn chỉnh các cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp thực tiễn hơn và chuyển từ cơ chế tạm ứng sang cơ chế cho vay không lãi ủy thác thông qua Quỹ Đầu tư phát triển đô thị, nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, việc chuyển cơ chế này, góp phần nâng cao hiệu lực của Chương trình Bình ổn kịp thời, đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự trữ nguồn hàng; tạo sự chủ động điều chuyển vốn giữa các đơn vị tham gia chương trình. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến kinh doanh, đưa hàng hoá vào thị trường, đảm bảo cung ứng lượng hàng bình ổn theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Bước sang năm 2010, Chương trình Bình ổn thị trường tiếp tục mở rộng nhóm mặt hàng, bổ sung thêm các nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng (cặp, ba lô, túi xách học sinh; đồng phục học sinh, tập học sinh). Đến năm 2011, Chương trình bổ sung thêm các nhóm mặt hàng sữa và các nhóm mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Giai đoạn này, nguồn vốn thành phố ứng trước cho các doanh nghiệp vay không lãi suất chỉ là phần rất nhỏ so với phần vốn do các đơn vị phải đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị và tạo nguồn hàng thiết yếu.

Từ năm 2013 đến nay, với chủ trương xã hội hóa thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thông qua hoạt động kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, đã thu hút được nhiều tổ chức tín dụng tham gia cung ứng nguồn vốn. Theo đó, doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng với hạn mức và lãi suất phù hợp, để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường thành phố.

Đột phá xã hội hóa nguồn vốn

Theo thống kê, năm 2011 ngân sách thành phố ứng cho doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường vay 436,43 tỷ đồng; năm 2012 ngân sách ứng cho vay hơn 280 tỷ đồng. Đến năm 2013, các tổ chức tín dụng cam kết cho doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường vay 1.960 tỷ đồng; năm 2014 là 8.300 tỷ đồng; năm 2015 là 11.850 tỷ đồng; năm 2016 là 12.900 tỷ đồng.

Đánh giá về bước đột phá trong xã hội hóa nguồn vốn thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đối với doanh nghiệp, nguồn vốn thực hiện Chương trình tăng đã đáp ứng nhu cầu về vốn trong việc dự trữ hàng hóa, đầu tư phát triển sản xuất, liên kết phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối, xuất khẩu…

Còn đối với thành phố, tiết kiệm được khoản ngân sách đáng kể, sử dụng để tập trung vào các nhiệm vụ kinh tế, chính trị khác. Riêng các tổ chức tín dụng, tăng cường tiếp cận, thiết lập được quan hệ khách hàng là các doanh nghiệp lớn, uy tín để cung cấp thêm nhiều dịch vụ tín dụng khác, vừa gia tăng doanh thu, vừa tăng tiện ích, công cụ tài chính hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.

Ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu của TP. Hồ Chí Minh đã ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Với nhận thức và trách nhiệm cao của Ngân hàng Nhà nước, Sở Công Thương và các sở, ngành đã thông qua Chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, phát huy nội lực và xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Để thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trong dài hạn, đi vào chiều sâu, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện song song nhiều chương trình, đề án bổ sung để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Trong đó cơ bản là chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố với việc hỗ trợ từ 60% – 100% lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng một năm để triển khai dự án. Hay Chương trình kích cầu, hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 7 năm để triển khai dự án...

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước không sử dụng ngân sách để thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, đây được xem là bước tiến lớn trong quá trình cải tiến sáng tạo huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội.

Mỹ Phương (TTXVN)
Chương trình Bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh:  Mười lăm năm một hành trình - Bài 1
Chương trình Bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh: Mười lăm năm một hành trình - Bài 1

Chương trình Bình ổn giá trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được triển khai lần đầu năm 2002 nhằm ổn định giá cả các mặt hàng Tết trong dịp Tết Nguyên đán, sau 15 năm triển khai đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy từ nhận thức “Bình ổn giá” sang “Bình ổn thị trường”. Bên cạnh đó, chương trình đã được triển khai xuyên suốt trong cả năm và từng bước xã hội hóa nguồn vốn vay, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN