Vì sao giá lúa gạo nội địa vẫn tăng cao?

Mặc dù vụ đông xuân 2016-2017 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu vào chính vụ thu hoạch, thế nhưng khác với những niên vụ trước đó, giá lúa gạo nội địa vẫn đang tăng, ngay cả đây là thời điểm Thái Lan đang quyết tâm xả kho gạo khổng lồ hơn 8 triệu tấn trong nửa đầu năm nay.

Đáng chú ý, giá gạo nội địa tăng cao hơn cả giá bán của doanh nghiệp khiến tình hình xuất khẩu đang bị chững lại.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, giá lúa gạo nội địa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang tăng so với thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân năm nay.

Cụ thể, giá lúa tươi tại ruộng Jasmine hiện dao động khoảng 5.500-5.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với cách đây 2 tuần; giá lúa OM1490 là 4.800-4.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Một số loại lúa như IR50404, lúa nếp cũng tăng khoảng 50-100 đồng/kg.

Phơi lúa tại phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, với mức giá nội địa như trên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, do giá gạo trong nước cao hơn so với giá chào bán của doanh nghiệp từ 10-20 USD/tấn. Ngay cả bản thân doanh nghiệp này cũng gần cả tháng nay không dám thu mua nguyên liệu.

“Với mức giá nội địa như hiện nay, khoảng 4.600-4.700 đồng/kg lúa tươi IR50404, doanh nghiệp phải chào bán gạo 5% tấm với giá khoảng 360 USD/tấn thì mới không thua lỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, không đối tác nào hỏi mua. Đây cũng là điểm khó khăn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay”, ông Đôn nói.

Tình hình giá cả trên cũng là điểm đặc biệt nhất của thị trường lúa gạo năm nay. Bởi lẽ, vụ đông xuân là vụ lúa lớn nhất trong năm ở vựa lúa ĐBSCL nên khi bắt đầu vào chính vụ thu hoạch, giá lúa gạo trong nước thường giảm mạnh.

Thậm chí, trong nhiều năm vào thời điểm này, Chính phủ phải chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện chính sách thu mua tạm trữ để hỗ trợ sản xuất cho nông dân (chỉ ngoại trừ năm 2016 năng suất, sản lượng lúa bị ảnh hưởng nặng do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa này).

Không những vậy, ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã thông báo và tỏ rõ quyết tâm khi đặt mục tiêu “đẩy” toàn bộ hơn 8 triệu tấn gạo tồn kho còn lại trong nửa đầu năm nay. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cung cầu thị trường gạo thế giới; trong đó có Việt Nam.

Lý giải điểm “bất thường” này, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, trước khi vào vụ đông xuân, các doanh nghiệp nghĩ rằng, năm nay không có nhiều hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng gối đầu từ năm 2016 sang cũng không có, kèm theo sản lượng lúa gạo sẽ tăng do không ảnh hưởng từ hạn mặn.

Ngay cả trong buổi tổng kết của VFA, đại diện đơn vị này cũng dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn đặt vấn đề phải thực hiện mua tạm trữ.

“Do vậy, các doanh nghiệp đều chủ quan, không lường trước được ngay đầu năm nhu cầu nhập khẩu gạo tiểu ngạch của Trung Quốc đã tăng mạnh. Trong khi thu hoạch lúa đông xuân muộn gần 2 tháng, năng suất lúa cũng giảm và thời điểm giao hàng lại chưa phải đợt thu hoạch rộ. Từ đó, theo quy luật cung cầu, đẩy giá gạo nội địa lên khá cao như hiện nay”, ông Tuấn cho biết.

Cũng gần quan điểm trên, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, giá nội địa tăng là do nhu cầu nhập khẩu vẫn có, đồng thời sản lượng lúa gạo thu hoạch vụ đông xuân cũng bị giảm một phần.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá này không thực sự bền vững. Hiện đã bắt đầu xuất hiện một số người dân, thương lái gom trữ hàng để chờ mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mức giá nội địa cao hơn cả giá xuất khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đã không dám bán hay ký thêm hợp đồng nào mới, do lo ngại thua lỗ.

Hơn nữa, thị trường lúa gạo thế giới vẫn chưa thực sự khởi sắc, Thái Lan lại đang tiếp tục xả kho, chắc chắn đến một lúc nào đó nhu cầu sẽ bắt đầu lắng xuống. Khi đó, doanh nghiệp sau khi đã trả hết các hợp đồng sẽ không dám mua vào và việc tiêu thụ lúa gạo của nông dân sẽ khó khăn hơn.

Trở lại với những lo ngại từ việc xả kho của Thái Lan đến tình hình tiêu thụ gạo của Việt Nam, các doanh nghiệp cho rằng, do Thái Lan là một trong những thị trường cung cấp gạo lớn nhất thế giới hiện nay nên chỉ cần một động thái nhỏ cũng ảnh hưởng đến giá cả gạo thế giới.

Chắc chắn đến thời điểm này, không tập đoàn thương mại gạo quốc tế nào dám mua vào mà đang chờ diễn biến của giá gạo Thái Lan, nhất là mới đây Chính phủ nước này tổ chức đấu thầu bán gần 3 triệu tấn gạo. Và dĩ nhiên, việc Thái Lan quyết định bán hết toàn bộ số gạo tồn kho trong nửa đầu năm nay sẽ tiếp tục tác động xấu đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Hứa Chung (TTXVN)
Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng
Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng

Vụ đông xuân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu bước vào đợt thu hoạch. Điều đáng mừng là giá lúa nội địa vẫn có xu hướng tăng khá cao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN