Trồng nấm - thế mạnh mới của nông nghiệp Bắc Giang

“Lợi nhuận trong trồng nấm là 50% tức là cứ đầu tư 1 tỉ đồng thì lợi nhuận thu về là 500 triệu đồng…”, ông Hoàng Viết Chương, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), một trong 10 hộ trồng nấm lớn nhất tỉnh Bắc Giang, khẳng định.

Lợi nhuận cao

Để chứng minh cho khẳng định của mình, ông Chương đưa phóng viên báo Tin Tức thăm khu trại trồng nấm của gia đình, một khu rộng hơn 700 m2 và khu kia rộng hơn 500 m2, đang áp dụng công nghệ cao, có máy tạo ẩm và quạt hút gió đảm bảo môi trường sạch. Chia sẻ về nghề trồng nấm, ông Chương cho biết, làm nấm rất đơn giản và bất cứ ai cũng có thể làm được. Bởi nguyên liệu là rơm, mùn cưa, vải thừa của các nhà máy may… rồi ủ nước vôi cho ải. Năng suất cao phụ thuộc vào kinh nghiệm của người trồng, tuy nhiên tỉ suất lợi nhuận ở mức 40 - 50%/vốn đầu tư.

Ông Hoàng Viết Chương giới thiệu quy trình trồng nấm tại lán trại của gia đình, thôn Bãi Cả, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Chỉ tay về phía các gói nấm đã đóng sẵn trong túi nilon, ông Chương cho hay, mỗi ngày gia đình thu hoạch và đóng gói được khoảng trên dưới 200 túi, mỗi túi thương lái nhập với giá 20.000 đồng, theo đó gia đình có doanh thu đều đặn 3 - 4 triệu đồng/ngày. “Nghề trồng nấm này, nếu làm với quy mô lớn, chuyện làm giàu là bình thường”, ông Chương khẳng định.

Theo ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, nghề trồng nấm ở Bắc Giang mới phát triển lên sản xuất quy mô hàng hóa khoảng 5 năm nay. Nhận thấy lợi thế của vùng trung du, nguyên liệu nông nghiệp sẵn có, tỉnh đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ để nhân rộng nghề trồng nấm trên địa bàn và đã hình thành các khu vực trồng nấm tập trung ở một số huyện như Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Yên Dũng, Sơn Động… Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 600 hộ nông dân tham gia trực tiếp trồng nấm, số lao động gián tiếp lên đến hàng nghìn người. Trong số 600 hộ này, chiếm một nửa là các hộ có quy mô lán trại rộng từ 500 m2 đến hàng nghìn m2.

Còn lại là các hộ có quy mô nhỏ hơn. Đặc biệt là trên địa bàn tỉnh có khoảng trên chục hộ sản xuất theo quy mô lớn, trung bình trên 3.000 m2/hộ. Các hộ này đầu tư bài bản, có hệ thống sấy, hấp giống… để tự sản xuất giống, cung cấp giống cho các hộ gia đình sản xuất nấm quanh vùng. Ông Phượng cho biết, tổng số nguyên liệu đưa vào sản xuất nấm hàng năm của Bắc Giang khoảng 6.000 - 7.000 tấn, và tạo ra khoảng 3.000 tấn nấm thành phẩm. Chủng loại nấm của Bắc Giang hiện khá phong phú, như nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm dược liệu linh chi. Đã xuất hiện nhiều hộ đầu tư trồng nấm kim châm, đùi gà, trân châu… trong nhà lạnh, sản lượng mỗi năm khoảng vài trăm, nghìn tấn.

Mong muốn sản xuất quy mô lớn

Chị Lê Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nấm huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, nấm sản xuất ra trên địa bàn cung không đủ cầu. Chỉ riêng thôn Bãi Cả của huyện Lạng Giang đã có 60 hộ sản xuất/300 hộ toàn huyện. Nấm trên địa bàn sản xuất đến đâu, thương lái về mua hết đến đó. Từ nhu cầu lớn của thị trường, các hộ trồng nấm ở Lạng Giang đang có mong muốn là được hỗ trợ thêm để mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa và áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất nấm để có thể cung cấp sản lượng lớn ra thị trường. “Nấm là thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, vừa an toàn vừa rất tốt cho sức khỏe. Nếu được quảng bá và có được hệ thống phân phối tốt, cả người tiêu dùng và người sản xuất nấm đều có lợi”, chị Ánh nói.

Tuy nhiên, ông Hoàng Viết Chương cũng phản ánh hiện tượng nấm mốc, bọ phá hại nấm vừa xuất hiện trên địa bàn. Hiện tượng này mới xuất hiện 2 năm lại đây và các hộ trồng nấm thì chưa có cách giải quyết. Khó khăn ở chỗ nấm là thực phẩm sạch, nguyên liệu sạch, trồng trong môi trường sạch, nước tưới sạch.., không thể phun bất kỳ loại thuốc bảo vệ hay phòng trừ sâu bệnh nào, phun vào là nấm hỏng. Nên mong muốn nhất của bà con là các nhà khoa học nghiên cứu cách giải quyết được vấn đề đó. Giải quyết được chúng tôi mới dám mở rộng sản xuất, trồng nấm với quy mô lớn.

Theo ông Vũ Đình Phượng, để hỗ trợ ngành trồng nấm của tỉnh phát triển bền vững trong tương lai, tỉnh đã thành lập Trung tâm giống nấm thuộc Sở NN&PTNT, để chủ động nghiên các loại cứu giống có giá trị kinh tế cao như nấm dược liệu. Hiện Trung tâm đã nhân giống thành công từ các giống gốc của Viện giống cây nông nghiệp, Bộ NN&PTNT ra giống cấp 1, cấp 2 cung cấp giống cho toàn bộ nông dân trong vùng. Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển nghề trồng nấm, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ: hộ nào chưa có cơ sở vật chất thì hỗ trợ tiền làm lán trại trồng nấm, cộng với hỗ trợ 40% tiền mua giống trong năm đầu. Tỉnh chọn trong mỗi huyện hỗ trợ 10 hộ sản xuất quy mô lớn, hỗ trợ toàn bộ về kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, bảo quản từ mới thành lập cho đến khi hành công. Với những chính sách và cơ chế đó, nghề trồng nấm ở Bắc Giang đã và đang phát triển tốt.

“Doanh thu từ trồng nấm của Bắc Giang nếu tính sản lượng toàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng trên 6.000 lao động”.

Ông Vũ Đình Phượng


Bài và ảnh: Xuân Hương
Cả nhà ngộ độc do ăn nấm
Cả nhà ngộ độc do ăn nấm

Ngày 15/11, bác sỹ Đặng Đình Thắng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: 7 nạn nhân bị ngộ độc nấm tại xã Nà Hẩu huyện Văn Yên (Yên Bái) vào tối 14/11 đã được cứu sống kịp thời, hiện sức khỏe đã ổn định và có thể trở về nhà trong một vài ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN