Thừa cung xi măng: 'Giải cứu' hay không?

Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu xi măng để "giải cứu" nguồn cung dư thừa trong nước thì Bộ Xây dựng lại cho rằng sản xuất xi măng vẫn đang có lãi và không cần "giải cứu".

Tính đến cuối năm 2016, theo thống kê, cả nước có 78 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay với tổng công suất 87,8 triệu tấn xi măng, trong khi tiêu thụ chỉ khoảng 74,5 triệu tấn, thừa khoảng 13,3 triệu tấn. Trong năm 2017, dự kiến tổng công suất thiết kế toàn ngành tăng lên 94,7 triệu tấn và sẽ dư thừa 17-18 triệu tấn. Dự kiến ngành này sẽ dư thừa khoảng 36-47 triệu tấn trong 3 năm tới.

Với tình trạng này, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, báo cáo Chính phủ giảm thuế xuất khẩu xi măng xuống thấp hơn mức 5% đang áp dụng. Đồng thời cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào với ngành sản xuất chế biến nguyên liệu từ khoáng sản (trong đó có xi măng).

Ngành xi măng đang dư thừa sản phẩm do quy hoạch có vấn đề. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN

Theo quy định từ năm 2016, một số ngành sản xuất được chế biến từ khoáng sản có chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên sẽ phải chịu thuế xuất khẩu 5% và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Việc này đã khiến chi phí xuất khẩu xi măng của Việt Nam tăng 7,5 USD/tấn, khó cạnh tranh với xi măng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản...

Tuy vậy, tại cuộc họp báo quý 2 tổ chức chiều ngày 2/8 của Bộ Xây dựng, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, cho biết Bộ Xây dựng vẫn chưa nhận được văn bản của cơ quan nào hỏi ý kiến về giảm thuế xuất khẩu xi măng.

Đồng thời, ông Bắc cho biết thêm, tính bình quân năm 2016, các nhà máy xi măng sản xuất đạt hơn 90% công suất thiết kế, tức là các nhà máy vẫn có lãi bởi trong đầu tư sản xuất xi măng, nếu dự án phát huy được 70-80% công suất thiết kế là đạt điểm hòa vốn, nếu cao hơn là có lãi.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, phần lớn xi măng được tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần. Việc kiến nghị đưa ra mức thuế hợp lý không phải hàm ý giải cứu mà để doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức chiều 3/8, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, không nên đặt vấn đề "giải cứu" xi măng bởi "việc giảm thuế là hiển nhiên để đạt mục tiêu xuất khẩu xi măng chiếm 20% như chỉ đạo của Thủ tướng".

"Tôi ủng hộ việc giảm thuế xuất khẩu về 0% bởi xi măng là sản phẩm được khuyến khích xuất khẩu do có lợi thế xuất khẩu. Cần phải được khuyến khích thay vì đánh thuế. Hơn nữa, xi măng là sản phẩm hoàn chỉnh, được chế biến sâu nhất trong các loại sản phẩm từ khoáng sản. Ở đây có sự hiểu nhầm ở Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi, khi xếp xi măng vào nhóm phải chịu thuế xuất khẩu và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi Nghị định này", ông Cung cho hay.

Nói về việc dư thừa nguồn cung trong nước, ông Cung cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc các doanh nghiệp đã cải tiến công nghệ nên hạ giá thành sản phẩm, tăng công suất khiến dư thừa. Mặt khác, quy hoạch của ngành xi măng khá hoàn chỉnh nhưng việc thực hiện lại không theo quy hoạch. Có nhà máy được quy hoạch công suất 1 nhưng sản xuất tăng đến 2-4 lần, cũng dẫn tới dư thừa.

Về phía Bộ Xây dựng cho biết vẫn sẽ rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Việc rà soát quy hoạch ngành xi măng không phải để xử lý những nhà máy thua lỗ vì việc phát triển nhà máy xi măng đang trong tầm kiểm soát và các nhà máy cơ bản hoạt động tốt. Việc rà soát quy hoạch nhằm hạn chế xây thêm nhà máy xi măng làm phá vỡ quy hoạch cung cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng không nên giảm thuế xuất khẩu "cứu" ngành xi măng do đây là ngành công nghệ lạc hậu, khai thác nhiều tài nguyên gây ô nhiễm môi trường.

Về ý kiến này, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng cần giải quyết từng bước. Đầu tiên cần cảnh báo đến những nhà máy xi măng gây ô nhiễm. Sau khoảng 5 năm nữa thì kiên quyết dẹp bỏ nếu vẫn vi phạm.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Doanh nghiệp xi măng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về môi trường
Doanh nghiệp xi măng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về môi trường

Ngày 2/7, phát biểu tại buổi lễ khánh thành Dự án dây chuyền số 2 và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Công ty Cổ phần Xi Măng Thành Thắng Group tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về bảo vệ môi trường, cả trong quy trình khai thác nguyên liệu, sản xuất và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN