Tăng học phí khiến CPI tháng 9 tăng mạnh

CPI bình quân 9 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,07%. Có tới 10/11 nhóm hàng hoá chính tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục với 7,19%.

Học sinh cùng phụ huynh lựa chọn trang thiết bị phục vụ học tập tại cửa hàng của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại 187 Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo về chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 và 9 tháng qua vào sáng 24/9, tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2016 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, CPI bình quân 9 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,07%.

Theo đó, có tới 10/11 nhóm hàng hoá chính tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục với 7,19%. Nguyên do từ tháng 9, đồng loạt 53 tỉnh thành trên cả nước tăng học phí theo Nghị định của Chính phủ, khiến nhóm này đóng góp 0,42% vào mức tăng chung. Nhóm giao thông tăng cao thứ 2 với 0,55% do nhiều lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến CPI tăng mạnh như hợp đồng xuất khẩu 150.000 tấn gạo cho Philippines; thời tiết mưa nhiều khiến giá rau xanh tăng mạnh, nhu cầu mua sắm quần áo, mũ nón, giày dép cho năm học mới tăng khiến chỉ số nhóm này tăng so với tháng trước. Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Thống kê giá, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu CPI tăng 5%, trong khi CPI 9 tháng là 3,14%, vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra. Những năm gần đây, Chính phủ điều hành theo hình thức kiềm chế lạm phát, nhất là các mặt hàng có sự quản lý của nhà nước.

Bà Ngọc lấy ví dụ trong tháng 8, Tổng cục Thống kê tư vấn cho Bộ Y tế chỉ điều hành giá dịch vụ y tế ở 16 tỉnh thành, các tỉnh khác điều chỉnh theo lộ trình để phù hợp với việc tăng học phí và nhiều mặt hàng tiêu dùng trong tháng 9.

“Các điều hành chính sách của Chính phủ và các bộ ngành rất chủ động, quyết liệt trong kiềm chế lạm phát. Nhà nước định hướng điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình, dần tiệm cận giá thị trường”, bà Ngọc cho biết.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2016 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ; 9 tháng năm 2016 lạm phát cơ bản so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Mức tăng của lạm phát chung (tăng 2,07%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá gần với nhau. Lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Bà Đỗ Thị Ngọc cho biết, CPI 9 tháng năm nay tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,34%; tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm...Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.


Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2016 đặt ra dưới 5%. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.

Bộ Tài chính cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây thay đổi so với những năm trước, người dân không mua dồn dập hàng hóa vào những ngày giáp Tết, không mua tích trữ vì ngày mùng 1 Tết đã có chợ, do đó không tạo áp lực lên giá cả vào tháng Tết.

Về chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2016, Tổng cục Thống kê dự báo tăng cao hơn ở mức tăng CPI tháng 9 do một số yếu tố như: giá dịch vụ y tế tăng và giá xăng dầu được điều chỉnh tăng do giá xăng dầu thế giới tăng.

Thúy Hiền (TTXVN)
Sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam
Sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà bán lẻ ngoại. Một loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Pháp đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN