Nông sản Việt trước sức ép cạnh tranh từ ASEAN

Không chỉ các nông sản thế mạnh như gạo, các ngành hàng khác như rau quả, mía đường… của Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép rất lớn khi cạnh tranh với nông sản các nước trong khối ASEAN.

Nếu quá trình tái cơ cấu nông nghiệp không được tiến hành nhanh chóng thì nguy cơ mất thị trường nội địa ở một số mặt hàng đang dần biến thành hiện thực.

Người tiêu dùng ưa gạo ngoại

Việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngành hàng nông sản xuất khẩu, khi các loại thuế sẽ được điều chỉnh dần về 0%. Đơn cử gạo là một trong những mặt hàng thế mạnh, nhưng cũng đang chịu sức ép trên chính sân nhà. Tại An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất cả nước, gạo Việt bị cạnh tranh quyết liệt và có phần “lép” hơn so với gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc)…

Gạo Thái Lan, Campuchia được bày bán cùng với gạo Việt Nam tại chợ Mỹ Long, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Theo bà Trần Thị Bé Hai, chủ một đại lý gạo tại chợ Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, (tỉnh An Giang), hiện giá gạo hương lài Thái Lan có giá 16.000 đồng/kg, gạo Đài Loan 14.000 đồng/kg; trong khi đó gạo Việt Nam chỉ từ 8.000 - 12.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán. Chủ một tiệm cơm tại Long Xuyên cho biết, gạo Campuchia có ưu điểm nấu nở (dư cơm), mềm, xốp; hơn nữa khách ăn rất thích vì có những đặc tính gần giống với gạo mùa. Gạo Campuchia cũng khá đa dạng về chủng loại như: gạo Móng Chim, Sóc Phone, Sóc Thường, Tấm Sóc, Sóc Thái, Sóc Sỏi… có thể mua ở bất kỳ đại lý lớn nhỏ nào ở trên địa bàn thành thành phố Long Xuyên.

Không chỉ có mặt ở các đại lý, chợ quê mà gạo ngoại còn đang dần chiếm lĩnh các siêu thị, kênh phân phối lớn, có phần “lấn át” gạo Việt Nam bởi bao bì bắt mắt, cộng thêm một chút ít sự tin tưởng của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thanh Hằng (Thanh Nhàn, Hà Nội) chọn mua thực phẩm ngoại ở siêu thị Aeon Long Biên, bởi giá chênh không lớn so với hàng trong nước, và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm. Ví dụ: Gạo Thái có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg); thịt gà, xúc xích, các sản phẩm từ lợn của Công ty CP Thái Lan đảm bảo hơn vì không bị bơm nước như một số cửa hàng ngoài chợ. Theo chị Hằng, khi đời sống khấm khá thì người tiêu dùng cũng sử dụng gạo ít hơn trước, nhưng chất lượng phải được tăng lên. Do vậy, gạo Thái tuy có đắt hơn nhưng vẫn là một trong những ưu tiên lựa chọn của gia đình chị.

Thời gian qua, trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường trong khu vực không ghi nhận sự đột phá đáng kể nào thì nhập khẩu gạo lại gia tăng. Cụ thể, trong giai đoạn 2000 - 2015, giá trị nhập khẩu gạo của Việt Nam từ ASEAN tăng 25,4%/năm. Xu hướng này đang ngày càng có chiều hướng tăng lên, tạo áp lực cạnh tranh gay gắt với gạo trong nước.

Lo rau quả bất lợi

Theo TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard- Bộ NN&PTNT), bên cạnh gạo, ngành hàng rau quả được đánh giá sẽ chịu sự bất lợi cao khi hội nhập sâu. Thái Lan, Myanmar là những nước nằm trong “top” 10 xuất khẩu rau quả lớn nhất vào Việt Nam. Trên 99% sản phẩm Việt Nam nhập về từ Myanmar là rau, đối với Thái Lan, 96% sản phẩm nhập khẩu là quả, chủ yếu gồm ổi, xoài và măng cụt, chiếm 83% tổng kim ngạch nhập các loại quả. Với ưu thế về chất lượng, sự phong phú về chủng loại, khi thuế quan không còn là rào cản, rau quả nhập khẩu sẽ tràn ngập thị trường và cạnh tranh mạnh với hàng nội địa.

Không chỉ gạo, rau quả, mía đường cũng đối mặt với cạnh tranh lớn từ khu vực ASEAN, đặc biệt từ Thái Lan. Năm 2014, Thái Lan xuất khẩu mía đường sang Việt Nam đạt 29,8 triệu USD. Theo cam kết mở cửa trong ASEAN, đến năm 2018, thuế nhập mía đường sẽ giảm từ 80-85% xuống còn 5%. Điều này sẽ khiến đường ngoại ồ ạt nhập khẩu, ngành mía đường Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn.

Những khó khăn trên cũng đã được chính vị “Tư lệnh” của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: “Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, điều này đồng nghĩa với việc hàng nông sản Việt Nam có cơ hội đi thị trường quốc tế nhiều hơn nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa thế giới với những nước sức cạnh tranh mạnh, vì họ cũng có tài nguyên, khoa học, công nghệ, sức sản xuất, quản trị tốt”.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời: Phải hiểu khó khăn nông dân 

Nhà nước cần tìm hiểu những khó khăn mà nông dân gặp phải trong quá trình tham gia các cánh đồng lớn để tìm cách tháo gỡ, giải quyết. Cần có chủ trương hình thành các khu đất sạch ở nông thôn để khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như chế biến, gia tăng giá trị nông sản, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Trong quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu, Việt Nam nên bãi bỏ thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng gạo kinh doanh nội địa, để doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp quốc tế trong một sân chơi chung. Các tổ chức chính trị xã hội tại Việt nam nên vận động nông dân chủ động tham gia vào các hợp tác xã để tiếng nói của tầng lớp mình được mạnh mẽ hơn trong hợp tác với doanh nghiệp, cùng gắn bó đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế. 

TS. Trần Gia Long, Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT): Đánh giá lại các chính sách

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đánh giá tác động của chính sách thương mại hiện hành, các cam kết thương mại quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, mở rộng thị trường tiêu thụ; đề xuất ban hành Nghị định về quản lý thương mại biên mậu. Về chính sách thuế, phí, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, đánh giá tác động của các chính sách thuế, đề xuất điều chỉnh các loại thuế, phí, cách áp thuế... đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Liên quan tới chính sách tín dụng, hướng thúc đẩy sẽ là thể chế hóa cơ chế cho vay theo chuỗi giá trị thực hiện liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu nông sản. 

TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghệp nông thôn (Ipsard- Bộ NN&PTNT): 


Xây dựng các tiêu chuẩn về nông nghiệp chất lượng, an toàn Cần tiếp tục xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chung về nông nghiệp chất lượng, an toàn và bảo vệ sức khỏe, thực hiện chứng nhận chung (trong sản xuất, xuất khẩu), xây dựng các giải pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống quy tắc đạo đức kinh doanh, quy định trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết đầu tư, kinh doanh và tận dụng các cơ hội khác từ AFTA và TPP. Thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, chu chuyển lao động (bao gồm cả lao động nông nghiệp có tay nghề), thông tin thị trường, định hướng đầu tư và quản lý biên mậu.


Hữu Vinh - Công Mạo
Hàng Việt vẫn khó "chen chân" vào thị trường ASEAN
Hàng Việt vẫn khó "chen chân" vào thị trường ASEAN

Hầu hết ở trung tâm thương mại của các nước ASEAN đều vắng bóng hàng hóa Việt Nam trong khi hàng hóa Malaysia, Singapore hay Thái Lan lại tràn lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN