Khan hiếm nguồn cung, cát xây dựng tại Bắc Kạn tăng giá

Thời gian qua, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tăng cao ảnh hưởng đến quá trình xây dựng của người dân cũng như một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Do khan hiếm nguồn cung, cát xây dựng tại Bắc Kạn tăng giá. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Nguyên nhân dẫn đến giá cát tăng cao là do khan hiếm nguồn cung, cát được vận chuyển ở các tỉnh khác về nên giá thành đội lên rất nhiều, cộng với một số mỏ khai thác cát bị đóng cửa dẫn đến khan hiếm cát xây dựng.

Chúng tôi có mặt tại một số điểm bán cát trên địa bàn huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, số lượng cát còn rất ít. Theo các chủ đầu nậu, hiện nhu cầu cát xây dựng là rất lớn tuy nhiên nguồn cung khan hiếm và đa số cát phải chở ở các huyện khác đến, thậm chí chở tận Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội lên.

Ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Khánh Kiên, huyện Na Rì cho biết: “Trước đây trên địa bàn có 2 mỏ cát được phép khai thác thì nguồn cung dồi dào hơn. Từ khi 2 mỏ cát này đóng cửa, nguồn cung khan hiếm đẩy giá cát tăng cao. Quãng đường vận chuyển xa, đường đi lại khó khăn đã đội giá thành cát lên cao. Với giá cát hiện nay từ 500.000 - 600.000 đồng/m3, thậm chí chở đến tận chân công trình xa hơn chút lên tới tận gần 700.000 đồng/m3 thì rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng”.

Anh Sái Ngọc Anh, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, gia đình đang hoàn thiện ngôi nhà. Do giá cát tăng gấp đôi so với trước đây nên không dám xây cao mà chỉ làm một tầng với một tum. Gia đình phải chở cát từ huyện Ba Bể cách hàng trăm cây số về để thi công. Cát đổ bê tông về chân công trình là 520.000 đồng/m3, cát xoa 420.000 đồng/m3.

Việc giá cát tăng cao đẩy chi phí xây dựng lên và ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Việc khan hiếm nguồn cung khiến nhiều công trình xây dựng phải thi công trong tình trạng chờ đợi vì thiếu cát. Một số chủ thầu xây dựng cho biết, có thời điểm phải cho thợ nghỉ chờ vì xe chở cát từ các tỉnh miền xuôi lên chậm. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp, giá cát tăng cao đột biến ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn.

Ông Nông Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Na Rì cho biết: “Giá cát tăng cao là điều đã được dự báo từ trước. Do hiện nay trên địa bàn huyện không có mỏ cát nào khai thác nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các địa phương khác. Vì đường vận chuyển xa nên chi phí cao dẫn đến giá thành tăng. Hiện đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng để kiểm định chất lượng cát sau đó sẽ có giải pháp trong thời gian tới”.

Cùng chung tình trạng, tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn như huyện Chợ Đồn, Pác Nặm, Ngân Sơn, thành phố Bắc Kạn giá cát xây dựng tăng chóng mặt khiến các nhà thầu xây dựng gặp khó. Khảo sát một số điểm bán cát trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, các chủ bãi cho biết, nguồn cung khan hiếm. Các mỏ cát trên địa bàn không đáp ứng được nhu cầu, chất lượng chưa đảm bảo nên giá thành cát đội cao hơn so với khu vực lân cận. Đa số cát được nhập từ các tỉnh khác.

Anh Nguyễn Văn Tùng, một chủ buôn bán cát xây dựng tại thành phố Bắc Kạn cho biết: "Gần đây, việc siết chặt quản lý khai thác cát khiến sản lượng cát giảm. Trong khi đó, lượng cát khai thác tại Bắc Kạn rất ít chỉ đủ cung cấp một phần nhỏ so với nhu cầu của thị trường".

Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian qua, giá cát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tăng do một số nguyên nhân. Cụ thể, một số mỏ khai thác cát hết hạn phải đóng cửa, một số mỏ không đảm bảo yêu cầu về môi trường cũng tạm dừng dẫn đến nguồn cung thiếu. Bên cạnh đó do phải nhập cát ở một số tỉnh lân cận dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên giá cát tăng.


Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương rà soát lại giá cát để có sự điều chỉnh phù hợp, bổ sung một số vật liệu xây dựng từ tỉnh khác nhằm đa dạng nguồn cung. Sở cũng đang tiến hành lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng nhằm đảm bảo nguồn cung, đáp ứng yêu cầu của thị trường, xu hướng phát triển xây dựng trên địa bàn.

Giá cát sẽ còn tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng, đó là nhận định của nhiều chủ thầu xây dựng cũng như các đầu nậu chuyên khai thác cát. Nhận định này được lý giải bởi tại Bắc Kạn hiện nay chỉ có 2 đơn vị được cấp phép khai thác với 2 mỏ cát ở huyện Ba Bể và Chợ Mới. Trong khi mỏ ở Chợ Mới sản lượng ít, gần đây hầu như không hoạt động.

Tại các huyện khác, nguồn cung cát xây dựng phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài nên giá cát tăng cũng là điều dễ hiểu. Gần đây, các tỉnh lân cận có trữ lượng cát lớn như Thái Nguyên, Tuyên Quang cũng tăng cường xử lý nạn khai thác cát trái phép nên nguồn cung sụt giảm khiến giá cát tăng. Khi nhu cầu của thị trường lớn, nguồn cung khan hiếm thì đây là thời điểm nguy cơ bùng phát nạn khai thác cát trái phép có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Các ngành chức năng cần sớm có biện pháp ổn định nguồn cung, tránh tình trạng ép giá, đẩy giá lên cao để trục lợi.

Đức Hiếu (TTXVN)
Bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền
Bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền

Ngày 26/4, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã bắt quả tang ba phương tiện đang bơm hút cát trái phép trên tuyến sông Tiền thuộc địa phận xã Phú Đức, huyện Châu Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN