Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhưng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thấp đã khiến tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng giảm và phát triển kém bền vững.

Cơ sở chế biến bóng cá xuất khẩu Ngây ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang) vay 3 tỷ đồng từ Agribank, mỗi năm xuất khẩu hàng chục tấn bóng cá khô. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình cho biết, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên. Từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Cụ thể, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa phù hợp với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành. Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định. Số lượng doanh nghiệp nông lâm thủy sản còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Giai đoạn 2010-2014, tốc độ tăng doanh nghiệp nông lâm thủy sản đạt bình quân 10,6%, thấp hơn so với mức tăng của doanh nghiệp nói chung là 10,9%/năm; tỷ trọng doanh nghiệp nông lâm thủy sản so với doanh nghiệp cả nước cũng giảm từ 1,01% năm 2010 xuống còn 0,96% năm 2014. Đa phần là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm khoảng 55%).

Trong khi đó, cơ cấu của các doanh nghiệp nông lâm thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96,53% tổng số doanh nghiệp. Có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47,63%, tiếp đến là thủy sản 35,43% và ít nhất là lâm nghiệp 16,63%. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng vốn đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định. Số lượng doanh nghiệp nông lâm thủy sản còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Trong khi đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.

Đáng chú ý, vốn đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ, các vùng khó khăn hơn như Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sự liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay chính là các cơ chế chính sách để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp đều kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi các chính sách cho phù hợp với thực tế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh hơn, góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần triển khai các giải pháp như: cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các nghị quyết của Chính phủ; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Thành Trung (TTXVN)
Đồng tình kéo dài chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp
Đồng tình kéo dài chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Mai Bộ cho biết “ủng hộ cả hai tay” khi miễn, giảm thuế cho các hộ gia đình, tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN