Hải Dương: Rau vụ đông được mùa, mất giá

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vụ đông 2016, do thời tiết ấm, các loại rau bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt cho năng suất, sản lượng cao hơn hẳn mọi năm, khiến nguồn cung tăng vọt, vượt quá sức cầu.

Có lúc nông dân phải thu hoạch rau ồ ạt và mặc dù thua lỗ vẫn phải bán. Hiệu quả sản xuất một số loại rau vụ đông càng về đợt thu hoạch cuối vụ, giá bán càng kém. Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá rau các loại trên đã tăng trở lại nhưng, mỗi loại chỉ còn khoảng 10% diện tích chưa thu hoạch.


Ông Hào ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ cho biết, hiện tại, thương lái đang thu mua su hào của gia đình ông với giá 4.500 đồng/củ. Như vậy, so với 1 tuần trước, giá đã tăng 1.000 đồng/củ. Trừ chi phí, mỗi sào cho lãi khoảng 3 triệu đồng. Nhưng, lúc thu hoạch rộ trước đó, thương lái mua su hào chỉ 500 đồng/củ. Với chi phí đầu vào khoảng 2 triệu đồng/sào và với giá 500 đồng/củ, ông Hào phải chịu lỗ 1 triệu đồng/sào.

Thu mua và sơ chế cà rốt tại một doanh nghiệp ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Theo ông Hào, chưa có vụ nào giá bắp cải rẻ như năm nay. Hiện tại, giá bắp cải đã tăng nhưng cũng chỉ ở mức 2.000 đồng/chiếc với loại bắp nhỏ khoảng 1 kg và 4.500 - 5.000 đồng/chiếc với loại từ 2 - 3 kg/cái. Giá súp lơ đang ở mức 3.500 - 5.000 đồng/cái.


Cà rốt cũng gặp phải tình trạng tương tự, khi từ khoảng đầu tháng 3 đến nay, giá cà rốt liên tục xuống dốc. Hiện tại, nông dân xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) chỉ bán cà rốt với giá 2.300 đồng/kg.


Ông Cao Thanh Côn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Chính cho biết, xã có trên 250 ha cà rốt. Đầu vụ, giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, sau đó chính vụ giảm xuống còn 4.000 đồng/kg và hiện nay, giá chỉ bằng 1/3 so với thời điểm đầu vụ. Cũng nhờ thời tiết ấm, không mưa nhiều, năng suất cà rốt đợt này cao hơn gấp đôi so với đợt trước nên nông dân cũng không bị thua lỗ. Với năng suất cà rốt trung bình 2,5 tạ/sào, nông dân lãi khoảng 4 triệu đồng/sào.


Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương) cho biết, thực tế giá một số loại rau vụ đông xuống thấp kéo dài khoảng 2 tháng nay bởi sau Tết, nông dân các nơi phải khẩn trương thu hoạch để giải phóng đất, phục vụ gieo cấy lúa xuân. Bên cạnh đó, vì nền nhiệt độ của vụ đông năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước, nên các loại rau vụ đông đều cho năng suất cao hơn.


Hai yếu tố này khiến lượng rau vụ đông bán ra thị trường tăng đột biến. Thêm vào đó, hiện nay các loại rau ăn lá vụ hè cũng đã được thu hoạch nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, dẫn đến sức tiêu thụ mặt hàng rau vụ đông cũng không cao.


Mặt khác, theo các doanh nghiệp xuất khẩu cà rốt sang Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…, việc xuất khẩu cà rốt đang gặp nhiều khó khăn, vì hiện nay đang là cao điểm thu hoạch cà rốt ở Trung Quốc.


Theo chị Ngô Thị Thúy, một đại diện doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đang thu mua cà rốt để xuất khẩu đi Malaysia và Thái Lan chia sẻ: “Phía Trung Quốc chào hàng giá thấp hơn trong khi mẫu mã cà rốt của họ lại đều, đẹp hơn của Việt Nam nên nhiều đối tác nước ngoài của chúng tôi cũng không chịu mua giá cao”. Theo chị Thúy, giá cà rốt bán ra chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.


Trái với đa phần nông dân trồng tự do, bán cho thương lái theo giá thị trường lên xuống thất thường, tình hình khả quan hơn với những nông dân hợp tác với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vụ đông 2016, công ty TNHH Hưng Việt (huyện Gia Lộc) đã ký bao tiêu 30 ha bắp cải và cam kết thu mua với giá ổn định từ đầu đến cuối vụ 3.000 đồng/kg. Tính bình quân toàn vụ, bắp cải ở vùng bao tiêu được bán giá cao hơn 20% so với bắp cải không trồng theo diện bao tiêu sản phẩm. Tuy vậy, con số diện tích 30 ha quá ít so với sản lượng xuất khẩu mà doanh nghiệp này cần.


“Chúng tôi cũng muốn ký kết bao tiêu với nông dân nhưng hầu hết nông dân hiện nay vẫn không thích ràng buộc, chỉ thích trồng và bán theo thị trường tự do”, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc công ty TNHH Hưng Việt cho biết.


Có thể thấy, câu chuyện nhiều nông sản được mùa, mất giá đã quá quen thuộc. Chỉ khi sản xuất và tiêu thụ gắn với bao tiêu sản phẩm, khi đó, nông dân không lo đầu ra và cũng bớt thiệt thòi.

Mạnh Minh/TTXVN
Giá rau ở Kon Tum  tăng, giảm thất thường
Giá rau ở Kon Tum tăng, giảm thất thường

Thị trường rau xanh tại Kon Tum tăng, giảm thất thường trong những ngày qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN