Giá dầu thế giới tăng phiên thứ bảy liên tiếp

Tiếp tục đà đi lên từ các phiên trước đó, giá dầu thế giới ghi nhận phiên tăng thứ bảy liên tiếp trong ngày giao dịch cuối tuần nhờ các báo cáo cho thấy số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm và nhu cầu tiêu thụ năng lượng cao hơn tại Trung Quốc.

Sau khi rơi xuống mức thấp nhất bảy tháng vào tuần trước, giá “vàng đen” đã phục hồi ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (26/6), dù cho nguồn cung dầu thô gia tăng tại Mỹ và một số nước đã hạn chế mức tăng giá trên.

Xu hướng này tiếp tục kéo dài trong các phiên giao dịch liền sau đó, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng xăng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 894.000 thùng trong tuần tính đến ngày 23/6, so với dự đoán giảm 583.000 thùng của các nhà phân tích.

Cửa hàng bán xăng dầu ở New Delhi, Ấn Độ tháng 9/2013. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu trên toàn cầu vẫn cao dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất khác đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2017. Thỏa thuận này sau đó đã được các bên nhất trí gia hạn tới tháng 3/2018 vào hồi cuối tháng Năm vừa qua.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/6, dầu tiếp tục theo quỹ đạo tăng, đánh dấu phiên đi lên thứ bảy liên tiếp của mặt hàng này, sau khi xuất hiện thông tin mới cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ chứng kiến tuần sụt giảm đầu tiên trong 24 tuần, qua đó làm dấy lên kỳ vọng sản lượng dầu thô của nước này sẽ suy yếu.

Cụ thể, báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, vừa được công bố ngày 30/6, cho hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 2 giàn trong tuần xuống còn 756 giàn, đánh dấu tuần giảm thứ hai kể từ đầu năm nay và tuần giảm đầu tiên sau 23 tuần tăng liên tiếp. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất của Trung Quốc cũng gia tăng sản lượng ở mức cao nhất trong ba tháng qua khiến kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng trở nên có cơ sở hơn.

Ngoài ra, sự phục hồi của giá dầu còn được hậu thuẫn bởi báo cáo công bố ngày 28/6 cho hay, tổng sản lượng dầu thô tại Mỹ giảm 100.000 thùng/ngày xuống còn 9,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước (kết thúc ngày 23/6), dù một số nhà phân tích thấy rằng đà suy yếu này chỉ là tạm thời do cơn bão đổ bộ vào Vịnh Mexico. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng ổn định giá dầu vì nguy cơ tăng trưởng sản lượng từ Lybia và Nigeria, hai thành viên thuộc OPEC không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng.


Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2017 tăng 1,11 USD (2,5%), lên 46,04 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong hai tuần qua, giá dầu này vượt 46 USD/thùng, qua đó ghi nhận mức tăng 7% cho cả tuần qua. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 50 xu Mỹ (1,1%), lên 47,92 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả sáu tháng đầu năm nay, giá dầu WTI và dầu Brent vẫn lần lượt hạ 14,3% và 14,2%.

Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần, giá xăng giao tháng 7/2017 tăng 3 xu (tương đương 2%) lên 1,515 USD/gallon. Còn giá dầu sưởi ấm giao cùng kỳ hạn cũng tăng 3 xu Mỹ (tương đương 2%) lên 1.446 USD/gallon. Kỳ hạn giao tháng 7/2017 của các mặt hàng này đều đã hết hạn vào lúc khép phiên. Từ đầu năm đến nay, giá xăng và dầu sưởi ấm lần lượt mất hơn 9% và 14%.

Minh Trang (Theo Reutes, Marketwatch)
Giá dầu thế giới giảm tuần thứ năm liên tiếp
Giá dầu thế giới giảm tuần thứ năm liên tiếp

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới ghi nhận tuần giảm thứ năm liên tiếp, giữa bối cảnh giới giao dịch cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất đã thất bại trong việc hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent biển Bắc và dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 3,9%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN