Cần lập lại cân bằng cung - cầu đối với sản phẩm thịt lợn

Cần lập lại cân bằng cung - cầu đối với sản phẩm thịt lợn, giảm cung và tăng cầu trong thời gian ngắn nhất để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trước mắt cần lập lại cân bằng cung - cầu đối với sản phẩm thịt lợn, giảm cung và tăng cầu trong thời gian ngắn nhất để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn… Bên cạnh đó, việc ngành chăn nuôi gặp khó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế.

Thưa ông, xin ông cho biết, những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn hiện nay sẽ tác động đến nền kinh tế như thế nào?

Năm 2016, chăn nuôi lợn phát triển thuận lợi, dịch bệnh hầu như không xảy ra, giá bán sản phẩm tăng mạnh do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, người chăn nuôi có lãi cao nên đầu tư tăng quy mô đàn.

Một trại nuôi lợn tại phường Quán Trữ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Số lượng đầu con lợn thời điểm 1/10/2016 là 29,1 triệu con tăng 4,8% so với năm 2015 và là năm quy mô đàn tăng cao nhất trong những năm gần đây (năm 2015 tăng 3,7%; năm 2014 tăng 1,9%; năm 2013 giảm 0,9%; năm 2012 giảm 2,1% và năm 2011 giảm 1,2%), dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Theo số liệu năm 2016, kết quả sản xuất của hoạt động chăn nuôi lợn chiếm khoảng 60% kết quả sản xuất ngành chăn nuôi, 16% giá trị của toàn ngành nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) và 12% giá trị sản xuất khu vực I (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản).

Từ tháng 11/2016 đến nay, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, đàn lợn đến lứa xuất bán dư thừa dẫn đến giá bán giảm mạnh dưới giá thành, người chăn nuôi thua lỗ, vì vậy khó khăn của ngành chăn nuôi có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng và đến toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Ảnh hưởng của ngành chăn nuôi lợn đến tăng trưởng kinh tế quý II và thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Từ đầu năm đến nay, giá bán lợn hơi trong nước có xu hướng giảm dần và đã giảm dưới giá thành, người chăn nuôi thua lỗ nên quy mô đàn lợn cũng có xu hướng tăng chậm dần và giảm.

Tháng 1/2017 quy mô đàn lợn tăng khoảng 4,7% so với cùng kỳ (cuối năm 2016 quy mô đàn tăng khoảng 5%); tháng 2/2017 quy mô đàn tăng 4,5%; tháng 3/2017 quy mô đàn tăng 1,5% và tháng 4/2017 quy mô đàn đã giảm 0,2% so cùng kỳ năm 2016.

Việc giảm dần quy mô đàn trong những tháng đầu năm sẽ có tác động đến sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong những tháng cuối quý II và quý III, ước tính quý II/2017 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 2,4% và kết quả sản xuất của hoạt động chăn nuôi tăng 2,6%.

Giá thịt lợn tại chợ Trần Quang Khải, Hải Phòng giảm mạnh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tôi cho rằng, nếu với điều kiện chăn nuôi bình thường, thị trường tiêu thụ tốt, giá bán sản phẩm đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi thì ước tính kết quả sản xuất quý II/2017 ngành chăn nuôi tăng trên 4,5% so năm 2016.

Tuy nhiên, do khủng hoảng giá bán sản phẩm nên ước tính kết quả sản xuất ngành chăn nuôi trong quý II/2017 chỉ tăng 2,6% so cùng kỳ (giảm so với điều kiện chăn nuôi bình thường 1,9%), điều này làm kết quả sản xuất chung của toàn ngành nông lâm thủy sản giảm nhẹ (0,4%).

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn hiện nay, theo Tổng cục trưởng cần có những những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả sản xuất chung của toàn ngành nông lâm thủy sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới ?

Theo tôi, trước mắt cần lập lại cân bằng cung - cầu đối với sản phẩm thịt lợn, giảm cung và tăng cầu trong thời gian ngắn nhất để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát việc tăng đàn lợn tại địa phương; đồng thời, kiểm soát tình trạng giảm đàn diễn ra trên diện rộng, với quy mô lớn có thể sẽ gây thiếu hụt cung ở chu kỳ tiếp theo; kiểm soát nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn để hạn chế nguồn cung từ nhập khẩu.

Đồng thời, kích thích tiêu thụ sản phẩm trong nước bằng cách hỗ trợ giá cho người sản xuất hoặc người mua đặc biệt người mua là các người tiêu dùng với số lượng lớn hoặc các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thịt lợn.

Cần có biện pháp kiểm soát và đảm bảo sự phân bổ hợp lý lợi nhuận giữa các khâu: sản xuất - phân phối - tiêu thụ sản phẩm lợn thịt; đảm bảo lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Ổn định, khai thông và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt lợn.

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, chúng ta cũng cần xác định nhu cầu sử dụng thịt lợn hơi cho sử dụng trong nước và xuất khẩu để có kế hoạch và kiểm soát hoạt động chăn nuôi lợn.

Tăng cường phối hợp quản lý và kiểm soát thị trường đầu vào phục vụ chăn nuôi lợn (giống, thức ăn, kiểm dịch,…) với thị trường đầu ra (tiêu thụ) sản phẩm để có cảnh báo sớm hiện tượng khủng hoảng thiếu hoặc thừa trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần có định hướng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người mua, rút ngắn chi phí và thời gian tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn.

Đồng thời, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng sản phẩm; Khuyến khích, hỗ trợ nhằm tạo thói quen sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường có đảm bảo bằng hợp đồng kinh tế trước khi tiến hành sản xuất…
 
Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền (thực hiện) (TTXVN)
Các hộ chăn nuôi lỗ 1.500 tỷ đồng vì giá thịt lợn 'lao dốc'
Các hộ chăn nuôi lỗ 1.500 tỷ đồng vì giá thịt lợn 'lao dốc'

Người chăn nuôi Hà Nội đang lỗ 1 - 1,6 triệu đồng/con lợn. Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn thành phố Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN