TTCK ngày 23/2: Dòng tiền vào chứng khoán tăng mạnh, VN-Index bứt phá lên gần 10 điểm

Kết thúc phiên sáng cuối tuần ngày 23/2, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự thăng hoa khi tăng điểm tích cực, nâng chỉ số VN-Index lên gần 1.237 điểm khi tăng 9,51 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,1 điểm, đạt 234 điểm.

Chú thích ảnh
Nhóm tài chính, ngân hàng tăng mạnh trong phiên sáng 23/2. Ảnh chụp màn hình

Với đà tăng trong phiên sáng, độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 331 mã tăng và 300 mã giảm. Rổ VN30 sắc xanh chiếm ưu thế hơn với 18 mã tăng, 7 mã giảm và 5 mã đứng giá. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch của toàn thị trường ghi nhận trong phiên sáng đạt hơn 610 triệu đơn vị, với giá trị thanh khoản hơn 13.050 ngàn tỷ đồng.

Về nhóm ngành, nổi bật nhất chính là nhóm thủy sản. Các mã cổ phiếu trong nhóm này đều tăng trưởng rất tích cực như VHC, ANV, FMC, IDI, CMX, ACL…

Theo sau là nhóm ngành ngân hàng, mặc dù hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động trong vài ngày qua nhưng chỉ số của nhóm ngày này đã bứt phá trong phiên sáng nay. Hầu hết các mã cổ phiếu trong nhóm đều bao phủ bởi sắc xanh. Đóng góp nhiều nhất phải kể đến như VCB (+1,34%), CTG (+1,82%), VPB (+1,52%), TCB (+4,34%), MBB (+2,3%), ACB (+1,63%), STB (+1,13%), TPB (+1,79%), MSB (+1,27%). Riêng cổ phiếu BID gần chạm trần với mức tăng 5,53%.

Ngành vật liệu xây dựng cũng có chuyển biến khá tích cực khi góp phần vào đà tăng phiên giao dịch sáng nay như HPG (+0,7%), HSG (+0,44%), NKG (+0,63%), HT1 (+0,38%),…

Trước đó, nhiều chuyên gia của các công ty chứng khoán lo ngại, phiên giao dịch hôm nay sẽ có sự rung lắc và giằng co bởi trong phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận chỉ số VN-Index đạt được khá nhọc nhằn. Cụ thể, theo CTCK Vietcombank (VCBS), VN-Index vẫn đang nằm trong nhịp tăng điểm lớn và xuất hiện những phiên rung lắc tích lũy là điều dễ hiểu. Vì vậy, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những nhịp rung lắc để gia tăng tỷ trọng khi cổ phiếu cho tín hiệu tích lũy trở lại trước khi vào đà tăng điểm mới.

Chú thích ảnh
Tốp 10 cổ phiếu tăng mạnh và giảm mạnh trong phiên sáng 23/2. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, theo phân tích của CTCK Beta (Beta), VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng khi nằm trên các đường trung bình quan trọng. Dù phiên 22/2 VN-Index điều chỉnh nhưng đây có thể là sự điều chỉnh cần thiết sau chuỗi ngày tăng khá nóng. Đây chính là bước tích lũy cho VN-Index trong phiên sáng ngày 23/2 để có thể công phá vùng kháng cự mạnh tại 1.250 điểm, cũng là vùng đỉnh cũ trong vòng 1 năm trở lại đây.

Trong phiên chiều ngày 23/2, Beta dự báo nhiều khả năng áp lực chốt lời vẫn cao nên nhà đầu tư cần thận trọng trong việc mua mới, hạn chế mua đuổi những cổ phiếu có trạng thái tăng nóng để tránh áp lực chốt lời dẫn đến rủi ro điều chỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, với mặt bằng lãi suất thấp cùng với triển vọng các yếu tố vĩ mô cải thiện khả quan sẽ là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường trong năm nay.

Đối với nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao vẫn có thể xem xét tận dụng những nhịp điều chỉnh để mua tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao trong năm nay.

CTCK Tiên Phong (TPS) thì lo ngại, thông tin tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023, cùng với mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm sẽ tác động đến tâm lý thị trường. Do đó, trong ngắn hạn, ở kịch bản lạc quan VN-Index có thể tiếp tục tăng lên vùng điểm 1.250 - 1.280 điểm trước khi một nhịp điều chỉnh xuất hiện. Ở kịch bản thận trọng hơn, chỉ số có thể kiểm định lại vùng kháng cự mạnh 1.235 điểm. Nếu không vượt qua mốc này, khả năng chỉ số đảo chiều và kiểm định lại mức hỗ trợ 1.160 - 1.180 điểm sẽ khá cao.

Theo CTCK KB Việt Nam (KBSV) phân tích, lực cầu trong ngày 23/2 vận động tương đối phân hóa khi chỉ gia tăng vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ riêng lẻ, chưa tăng trong giai đoạn trước. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị kê mua trở lại từng phần khi các mã mục tiêu riêng lẻ quay lại các vùng hỗ trợ đáng lưu ý hoặc chỉ số quay xuống điểm đỡ quanh 1.170 điểm (+/-10 điểm).

Bàn về dòng tiền tăng mạnh, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Khối KHCN của CTCP Chứng khoán HSC cho biết, mức thanh khoản hiện tại tương đương 13.000 tỷ và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Trong những phiên gần đây khoảng 20.000 tỷ, tuy có sự cải thiện nhưng vẫn tương đối kém so với thời điểm 2020, 2021. Nhưng nhìn chung, sự cải thiện dòng tiền đến từ phần lớn nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, trong thời gian tới, thị trường có cơ hội tăng lên hay không phụ thuộc rất lớn các nhà đầu tư cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Quý cũng lưu ý, nhà đầu tư cá nhân có đặc điểm là yếu về tâm lý và nặng về yếu tố đầu cơ. Một số nhà đầu tư chuyển sang kênh đầu tư an toàn như ngân hàng, cho thấy nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa tự tin về kênh chứng khoán. Mặc dù vậy, ông nhìn nhận đây chính là dư địa cho thị trường. Nếu như trong bối cảnh sắp tới khi chính sách có sự hỗ trợ về lãi suất, nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực hơn và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng, đó vẫn là động lực thúc đẩy cho thị trường. Vì vậy, dư địa dòng tiền đổ vào chứng khoán 2024 vẫn còn tăng trưởng, là cơ hội lớn cho thị trường bức phá trong năm nay.

Hải Yên/Báo Tin tức
Đà hưng phấn của chứng khoán toàn cầu tiếp sức cho thị trường châu Á
Đà hưng phấn của chứng khoán toàn cầu tiếp sức cho thị trường châu Á

Chứng khoán châu Á tiếp tục đà tăng vào phiên giao dịch cuối tuần 23/2 nhờ sự phục hồi của chứng khoán toàn cầu khi thị trường cổ phiếu từ Mỹ đến châu Âu và Nhật Bản đều ghi nhận các mức cao nhất mọi thời đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN