Thông tin tích cực thúc đẩy dòng tiền gia nhập thị trường chứng khoán

Tuần thứ 2 liên tiếp thị trường đóng cửa với điểm số cao nhất trong tuần. Giới phân tích cho rằng, những thông tin tích cực đã thúc đẩy dòng tiền “đang còn lưỡng lự trước đó” gia nhập thị trường và kéo chỉ số VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 1.150 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm 2023 chỉ số vượt ngưỡng cản này.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều thông tin tích cực

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường đón nhận khá nhiều thông tin tích cực như ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5 - 2% và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống và chú trọng xử lý nợ xấu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2023 của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn dự báo của các chuyên gia lần lượt là 3,1% và 0,3%.

SHS nhận định, đà hồi phục của thị trường trong hơn 2 tháng qua là rất tích cực với nội lực tốt được hình thành trên nền tảng gốc tích lũy chặt chẽ, sóng hồi liên tiếp được củng cố bằng các nền tảng tích lũy ngắn trên đường tăng điểm, từ đó, SHS dự báo VN-Index có nhiều cơ hội hình thành uptrend (giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng tăng, thường là vài tháng) mới sau khi vượt 1.150 điểm.

SHS cho biết, tâm lý thị trường lạc quan hơn, thể hiện ở nhóm bất động sản có diễn biến nổi bật trong tuần qua, rất nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến như HDC tăng 17,43%, NLG tăng 15,49%, PDR tăng 9,25%, NDN tăng 8,51%, CII tăng 8,26%, DIG tăng 7,69%...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tăng giá tích cực khi thanh khoản cải thiện và nhiều mã đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 lạc quan, với VIX tăng 10,13%, SSI tăng 7,75%, SHS tăng 6,57%, FTS tăng 6,09%, VCI tăng 4,78%...

Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, thép có diễn biến phân hóa hơn, đa số duy trì tăng giá tích cực với nhiều mã tăng giá đột biến, cùng thanh khoản tăng mạnh như C69 tăng 18,09%, CTI tăng 9,54%, CTD tăng 8,11%, FCN tăng 4,52%; TVN tăng 11,27%, SMC tăng 6,14%, NKG tăng 5,16%...

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng ngoại trừ STB giảm 2,78% do chịu áp lực bán mạnh và có khối lượng đột biến trong phiên cuối tuần, đa số các mã ngân hàng đều có diễn biến tăng giá tích cực,thanh khoản duy trì trên mức trung bình như PGB tăng 11,32%, BID tăng 5,53%, MBB tăng 4,88%, HDB tăng 3%...

Nhóm ngành tiêu dùng-bán lẻ là tâm điểm của thị trường tuần qua, sau khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023; trong đó, các cổ phiếu tiêu biểu của ngành như MWG và DGW đều tăng 8,7%, PNJ tăng 9,3%.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc với 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần qua là nhờ số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ và áp lực tỷ giá hạ nhiệt.

Cụ thể, lạm phát tại Mỹ tháng 6/2023 giảm nhanh và thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế làm dấy lên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ còn một đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay (trước đó thị trường lo ngại Fed có thể còn 2-3 đợt tăng lãi suất nữa).

Sau thông tin này, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có diễn biến khá tích cực, đồng thời chỉ số đồng đô la (DXY) đã giảm xuống dưới mốc 100 điểm, qua đó giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong nước. Những thông tin tích cực đó đã thúc đẩy dòng tiền “đang còn lưỡng lự trước đó” gia nhập thị trường và kéo chỉ số VN- Index dễ dàng vượt qua mốc 1.150 điểm.

Kết thúc tuần giao dịch từ 10 - 14/7, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.168,4 điểm, tăng 2,7% so với tuần trước; HNX-Index tăng 1,9% lên mức 230,2 điểm và UPCOM-Index tăng 1,9% lên mức 86,3 điểm.

Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 21.832 tỷ đồng, tăng 21,7% so với tuần trước.

Tuần qua, khối ngoại bán ròng 1.023 tỷ đồng trên HOSE giảm 45% so tuần trước, trong khi mua ròng 45 tỷ đồng trên HNX (tuần trước nhà đầu tư bán ròng 11 tỷ đồng trên HNX). Tại UPCOM, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 48 tỷ đồng, giảm 38% so với tuần trước.

VNDIRECT cho rằng, thị trường đã có một tuần tăng điểm “mạnh hơn kỳ vọng trước đó” nhờ số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ được công bố. Hiện thị trường đang nghiêng về kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất “lần cuối” trong cuộc họp tháng 7 tới (ngày 25-26/7) và sau đó giữ nguyên lãi suất tại vùng đỉnh 5,25-5,5% cho đến cuối năm 2023.

Kịch bản này có phần tích cực hơn so với trước đó, khi nhiều chuyên gia cho rằng Fed có thể còn có nhiều hơn 1 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Diễn biến tích cực này đã cải thiện triển vọng của thị trường do giảm bớt một trong những rủi ro chính hiện nay là vấn đề tỷ giá.

Bất chấp việc Fed vẫn đang duy trì lãi suất cao, chỉ số DXY (dollar index) đang có một nhịp giảm về dưới ngưỡng 100 điểm và giúp giảm bớt áp lực tỷ giá lên tiền đồng. Qua đó, nhà đầu tư trong nước đã có thể yên tâm phần nào sau những biến động của tỷ giá trong nước trong những tuần gần đây. Do đó, tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán có thể duy trì trong tuần tới và VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm.

Thị trường thế giới đồng loạt đi lên

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp tăng điểm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng tăng mạnh tuần qua.

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh trong tuần qua. Tính chung trong cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 2,3%, chỉ số S&P 500 tăng 2,4% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,3%. Chỉ số  S&P 500 tăng 17% kể từ đầu năm nay.

Chứng khoán châu Á phiên 14/7 cũng tiếp tục phục hồi trước khả năng Fed dừng tăng lãi suất.

Ngày 14/7, thị trường chứng khoán Seoul kết thúc phiên tăng vọt gần 1,5%, kéo dài chuỗi tăng điểm của thị trường sang ngày thứ tư, khi lạm phát của Mỹ giảm bớt đã giúp xoa dịu lo ngại về khả năng Mỹ tăng lãi suất. Đồng won của Hàn Quốc tăng giá mạnh so với đồng USD. 

Cụ thể, chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) tăng 37,07 điểm, tương đương 1,43%, lên 2.628,30 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức vừa phải, với 561,21 triệu cổ phiếu trị giá 14.010 tỷ won (11,06 tỷ USD).

Các thị trường chứng khoán châu Á khác tiếp tục phục hồi trong phiên 14/7, sau khi có thêm số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất sau hơn một năm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chốt phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,3%, lên 19.413.78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) ổn định ở mức 3.237,7 điểm.

Fed có khả năng dừng thắt chặt chính sách tiền tệ vào thời điểm Trung Quốc cam kết thực hiện các biện pháp kích thích nền kinh tế và chấm dứt việc kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực công nghệ.

Văn Giáp (TTXVN)
Tin tức TV: Bắt đầu xét xử vụ 'chuyến bay giải cứu'; Nới room tín dụng, chứng khoán thăng hoa
Tin tức TV: Bắt đầu xét xử vụ 'chuyến bay giải cứu'; Nới room tín dụng, chứng khoán thăng hoa

Trong tuần từ ngày 9 tới ngày 15 tháng 7, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” với niềm tin tưởng rằng chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước phân bổ hết hạn mức tín dụng ngay từ giữa năm và kết luận thanh tra EVN cũng được quan tâm nhiều. Dư luận còn dành chú ý lớn tới những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất và việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 cùng một số cá nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN