Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh tại các nước ASEAN+3

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 21/3 cho thấy thị trường trái phiếu bền vững của các nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) năm ngoái đã tăng 29,3%, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Chú thích ảnh
Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 21/3/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á, lượng trái phiếu bền vững tại ASEAN+3 đạt 798,7 tỷ USD vào cuối năm 2023 và chiếm khoảng 20% tổng lượng trái phiếu bền vững toàn cầu. Tính đến hết năm 2023, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt 4.000 tỷ USD.

Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, cho biết lượng phát hành trái phiếu bền vững ở ASEAN chiếm tỷ trọng cao hơn trong nguồn vốn tài trợ bằng đồng nội tệ và tài trợ dài hạn trong năm 2023, nhờ sự tham gia của khu vực công.

Trái phiếu bền vững là công cụ trái phiếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án và chương trình mang lại lợi ích về môi trường và xã hội.

Báo cáo cũng cho biết các điều kiện tài chính ở các nước Đông Á mới nổi đã cải thiện chút ít trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2023 – 29/2/2024, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải và đa số các nền kinh tế khu vực đều đạt mức tăng trưởng kinh tế tốt.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư không còn 'ham' lãi suất cao
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư không còn 'ham' lãi suất cao

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu với lãi suất 10-15%/năm, cao hơn nhiều lãi suất tiền gửi ngân hàng, nhưng vẫn không thu hút được nhà đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN