Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tăng giá trở lại

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh quay trở lại chiếm ưu thế trên thị trường trong ngày giao dịch hôm qua (6/3).

Chốt ngày, chỉ số giá của 3/4 nhóm mặt hàng đều tăng, kéo chỉ số MXV-Index thêm 0,78% lên 2.146 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 5.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư chảy mạnh mẽ vào thị trường kim loại khi chiếm đến 38,5% tổng giá trị giao dịch, tăng 23% so với ngày hôm qua.

Chú thích ảnh

Sắc xanh bao phủ bảng giá kim loại

Kết thúc ngày giao dịch 6/3, lực mua quay lại thị trường kim loại nhờ sự suy yếu của đồng USD. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt phục hồi trong sắc xanh. Giá bạc tăng 2,12% lên 24,49 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2023. Giá bạch kim chốt phiên tại 914,4 USD/ounce sau khi tăng 3,07%. Đây cũng là mức tăng lớn nhất của giá bạch kim kể từ giữa tháng 12/2023.

Đồng USD tiếp tục suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chững lại và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất được thúc đẩy.

Chú thích ảnh

Cụ thể, theo báo cáo bảng lương phi nông nghiệp do ADP công bố ngày 6/3, Mỹ đã tạo thêm 140.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 2, thấp hơn 9.000 so với dự báo của giới chuyên gia, cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn so với dự kiến. Số liệu này một lần nữa cho thấy rằng kinh tế Mỹ đang gặp áp lực, trước đó dữ liệu đã chỉ ra rằng lĩnh vực hoạt động và dịch vụ suy yếu trong khi niềm tin tiêu dùng sụt giảm. Hơn nữa, trong bài phát biểu ngày hôm qua, Chủ tịch FED Jerome Powell đã gợi ý về khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Những điều này đã gây áp lực mạnh lên đồng USD, chỉ số Dollar Index kết phiên giảm 0,41% về 103,37 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ giữa tháng 2. Đồng USD giảm giá khiến chi phí đầu tư trở nên rẻ hơn, giúp giá kim loại quý được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, đối với bạch kim, mặt hàng này đón nhận lực mua tích cực bởi lo ngại nguồn cung thu hẹp trong năm nay. Trong báo cáo cung – cầu quý IV/2023 mới được Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC) công bố hôm qua, thâm hụt bạch kim năm 2024 đã được chỉnh tăng lên 418.000 ounce, tăng từ mức 353.000 ounce trong báo cáo trước.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp, đóng cửa tại 3,87 USD/pound nhờ tăng 0,73%. Trong phiên sáng, giá đồng di chuyển giằng co trong biên độ hẹp khi tâm lý thị trường ảm đạm do Trung Quốc không công bố các gói kích thích kinh tế lớn. Tuy vậy, đồng USD giảm mạnh vào phiên tối đã hỗ trợ lực mua đồng tăng cao và giúp giá kết phiên trong sắc xanh.

Ngoài ra, giá kẽm LME cũng tăng 1,61% lên 2.494,5 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng hơn một tháng qua. Nguồn cung từ mỏ hạn chế vẫn đang là yếu tố hỗ trợ chính cho giá. Bank of America cho biết yếu tố nguồn cung không chắc chắn có thể giúp giá kẽm đạt được mức trung bình 2.375 USD/tấn  vào năm 2024.

Giá cà phê quay đầu phục hồi

Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch 6/3, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc. Trong đó, giá Robusta tăng 4,6%, lên mức cao nhất trong một tháng, giá Arabica hồi phục 1,61% so với tham chiếu. Tỷ giá USD/BRL suy yếu đã lấn át sự cải thiện tồn kho trên Sở ICE-US, từ đó lực mua chiếm ưu thế.

Chú thích ảnh

Cụ thể, chỉ số Dollar Index giảm mạnh 0,41% trong phiên hôm qua trong khi đồng Real của Brazil tăng, khiến tỷ giá USD/BRL đánh mất 0,27%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil, từ đó hỗ trợ giá.

Đồng thời, đồng USD suy yếu cũng thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển từ các tài sản trú ẩn sang các thị trường khác như chứng khoán hay hàng hóa. Điều này khiến lực mua cà phê trở nên áp đảo.

Giá Robusta tăng mạnh khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn còn hiện hữu. Trong báo cáo kết phiên ngày 5/3, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tiếp tục giảm thêm 120 tấn, kéo tổng số cà phê lưu trữ về 23.350 bao. Hơn thế, nắng nóng kéo dài tại khu vực gieo trồng cà phê trọng điểm của Việt Nam càng làm gia tăng lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới.

Ở một diễn biến khác trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, giá bông cũng cao hơn 1,1% nhờ lực kéo của giá dầu thô trong khung giờ bông đang giao dịch. Giá dầu thô tăng 1,25% trong phiên hôm qua, khiến Polyester, chất thay thế chính của bông đắt đỏ hơn. Điều này đã thúc đẩy lực mua dịch chuyển sang bông tự nhiên và kéo giá đi lên.

Giá đường 11 tăng 2,78% khi triển vọng mùa vụ tại Brazil tiếp tục đón nhận những tín hiệu kém khả quan. Cụ thể, hãng tư vấn Datagro dự báo sản lượng đường niên vụ 24/25 tại vùng Trung Nam, nơi sản xuất đường trọng điểm của Brazil giảm 4,8% so với kỷ lục của niên vụ trước, xuống 40,45 triệu tấn. Lượng mưa thưa thớt trong thời gian gần đây là nguyên nhân khiến cho nguồn cung đường có thể thu hẹp.

Tình hình nguồn cung kém khả quan tại Malaysia đã củng cố lực mua đối với dầu cọ thô, đóng cửa giá tăng 2,38% so với tham chiếu. Theo nguồn tin từ Reuters, tồn kho dầu cọ cuối tháng 2 của nước này dự kiến giảm 5,7% so với tháng trước, xuống còn 1,91 triệu tấn.

TTXVN/Báo Tin tức
Nâng giá khi mua hàng hóa hỗ trợ người lao động trong dịch COVID-19, ba đối tượng lĩnh án tù
Nâng giá khi mua hàng hóa hỗ trợ người lao động trong dịch COVID-19, ba đối tượng lĩnh án tù

Ngày 6/3, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo đều ở thành phố Hải Dương là Mai Xuân Anh (sinh năm 1969, trú tại phường Ngọc Châu), Phạm Thị Nhung (sinh năm 1977, trú tại phường Tân Bình) và Phạm Dũng (sinh năm 1975, trú tại phường Hải Tân) về tội Tham ô tài sản, quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 353 của Bộ Luật hình sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN