Thị trường châu Á phiên 6/2: Giá vàng phục hồi từ mức thấp gần hai tuần

Giá vàng châu Á phục hồi từ mức thấp gần hai tuần vào ngày 6/2, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm.

Giá vàng thoát khỏi mức thấp gần hai tuần

Chú thích ảnh
Giá vàng châu Á phục hồi từ mức thấp gần hai tuần vào ngày 6/2. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Giá vàng châu Á phục hồi từ mức thấp gần hai tuần vào ngày 6/2, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm. Ngoài ra, việc các nhà giao dịch nhận thấy vẫn còn thiếu những dấu hiệu chứng tỏ tình trạng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông dịu xuống cũng giúp vàng tăng giá.

Giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 2.027,85 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 25/1 vào phiên trước đó (5/2). Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,1%, lên 2.044 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD giảm 0,1% trong phiên 6/2, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,1250%, khiến vàng - vốn là tài sản không sinh lời - trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Ajay Kedia, Giám đốc của Kedia Commodities ở Mumbai (Ấn Độ), cho biết, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy lùi kế hoạch cắt giảm lãi suất và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ, không còn gì hỗ trợ vàng ngoài căng thẳng ở Trung Đông.

Giá dầu "nhích" nhẹ

Giá dầu tại thị trường châu Á tăng nhẹ phiên 6/2, khi các nhà đầu tư chờ đợi xem liệu chuyến công du Trung Đông của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ Antony Blinken có chấm dứt cuộc chiến ở Gaza hay không. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung từ khu vực sản xuất dầu rộng lớn này.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 17 xu Mỹ lên 78,16 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 16 xu Mỹ lên 72,94 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều tăng gần 1% vào phiên 5/2, đánh dấu phiên tăng đầu tiên sau bốn phiên.

Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường cấp cao của Phillip Nova, cho biết: “Các dấu hiệu cho thấy sự suy giảm leo thang của cuộc khủng hoảng Trung Đông đang biến mất, qua đó tiếp tục hỗ trợ phần nào cho giá dầu suy yếu”. Ngày 5/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Saudi Arabia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông tới khu vực Trung Đông trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng thúc đẩy cuộc đàm phán về thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel cũng như đạt được tiến bộ trong cuộc đàm phán về quản lý Dải Gaza thời hậu chiến. Palestine hy vọng chuyến thăm sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trước cuộc tấn công đầy đe dọa của Israel vào Rafah, một thành phố biên giới nơi có khoảng một nửa dân số Dải Gaza đang trú ẩn.

Tuy nhiên, những lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ đã hạn chế đà tăng giá. Các nhà phân tích cho biết kỳ vọng về lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” ở Mỹ và các nơi khác có thể sẽ hạn chế tiêu dùng, cùng với những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn. Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets cũng dự báo rằng giá dầu sẽ “khó quay lại mức cao trước đó” do các chỉ số kinh tế mạnh mẽ của Mỹ có thể sẽ mất đà.

Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc

Các chỉ số chứng khoán châu Á tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch chiều 6/2, với đà tăng ấn tượng của thị trường Trung Quốc, khi Chính phủ nước này tăng cường nỗ lực vực dậy thị trường cổ phiếu đang suy thoái. Trong khi đó, tại các thị trường khác, giới đầu tư thận trọng khi đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn. Chốt phiên, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1,2%.

Tại Nhật Bản, xu hướng chốt lời gia tăng đã khiến chỉ số Nikkei 225 giảm 193,50 điểm, tương đương 0,53%, xuống mức 36.160,66 điểm.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa giảm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên 6/2, giữa bối cảnh lo ngại về khả năng chính sách lãi suất cao của Mỹ duy trì lâu hơn. Đồng nội tệ won của Hàn Quốc tăng nhẹ so với đồng USD.  Khép phiên, chỉ số KOSPI mất 15,11 điểm, tương đương 0,58%, đóng cửa ở mức 2.576,20 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc- vốn chao đảo trong vài phiên trước- đã lấy lại đà tăng trong phiên 6/2, ghi nhận mức tăng theo ngày lớn nhất trong hai năm. Đồng NDT của Trung Quốc cũng tăng giá so với đồng USD nhờ một loạt tín hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Chốt phiên này, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,2%, mức tăng lớn nhất theo ngày kể từ tháng 3/2022. Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 4% trong phiên 6/2, mức tăng lớn nhất trong sáu tháng.

Tại Việt Nam, cuối phiên này, chỉ số VN-Index tăng 2,42 điểm (0,2%) lên 1.188,48 điểm, chỉ số HNX-Index cũng tiến 0,35 điểm (0,15%) lên 230,63 điểm.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)
Giá vàng SJC ngày 6/2/2024 giao dịch ở mức 78,5 triệu đồng/lượng
Giá vàng SJC ngày 6/2/2024 giao dịch ở mức 78,5 triệu đồng/lượng

Tại thời điểm 9h30 ngày 6/2/2024, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78,5 triệu đồng/lượng (ở chiều bán ra), tăng 500.000 đồng so với sáng hôm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN