Giá vàng chạm đáy của 1 tuần khi đồng USD mạnh lên
Khoảng 14 giờ 34 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15/9 là 1.911,54 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 1.930,30 USD/ounce.
Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại OANDA, cho hay trong thời điểm hiện tại, vàng chắc chắn sẽ phải đối mặt với sức ép giá giảm trong ngắn hạn do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, cùng với đồng USD mạnh lên.
Đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 10 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất mới trong 16 năm, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Các dự báo được công bố ngày 20/9 cho thấy phần lớn các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong ba tháng tới, nhưng các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá chỉ có khoảng 40% cơ hội thắt chặt hơn nữa vào năm 2023.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari ngày 25/9 cho biết lãi suất vay có lẽ cần phải được tăng thêm và giữ ở mức cao trong một thời gian để đưa lạm phát trở lại mức 2%. Nhà phân tích của ANZ lưu ý việc Fed tạm dừng tăng lãi suất phần nào hỗ trợ cho giá vàng.
Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố ngày 29/9. SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,9% xuống 22,91 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,9% xuống mức thấp của 12 ngày là 902,92 USD/ounce và giá palladium giảm 1,1% xuống mức thấp của 14 ngày 1.215,66 USD/ounce.
Chiều 26/9 Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,1 - 68,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá dầu hạ do nhu cầu nhiên liệu thấp
Cùng phiên 26/9 giá dầu châu Á giảm giữa bối cảnh những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu sẽ bị hạn chế do các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, ngay cả khi nguồn cung dự kiến sẽ bị thắt chặt.
Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 87 xu Mỹ xuống 92,42 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm hơn 87 xu Mỹ xuống 88,81 USD/thùng.
Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets ở Auckland, cho biết lo ngại về suy thoái kinh tế một lần nữa có thể chi phối diễn biến của thị trường dầu mỏ do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng sau cuộc họp của Fed tuần trước.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu thế giới, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong những ngày gần đây đã nhắc lại cam kết chống lạm phát, báo hiệu chính sách thắt chặt có thể kéo dài lâu hơn dự đoán trước đây. Lãi suất cao hơn làm chậm tăng trưởng kinh tế, làm hạn chế nhu cầu dầu mỏ.
Bên cạnh đó, ngày 25/9, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ gây tổn hại đến xếp hạng tín nhiệm của nước này. Lời ảnh báo được đưa ra một tháng sau khi Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ do cuộc khủng hoảng trần nợ.
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc cũng đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư, khi tối 25/9, China Evergrande thông báo công ty này không thể thanh toán khoản trái phiếu khiến nhà đầu tư bi quan về lĩnh vực này, vốn từ lâu đã là động lực tăng trưởng kinh tế.
Giá dầu đã tăng khoảng 30% kể từ giữa năm nay, chủ yếu do nguồn cung thắt chặt.
Chứng khoán đi xuống
Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống cùng phiên 26/9 do các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và triển vọng cơ quan này sẽ giữ lãi suất cao trong một thời gian để đối phó với lạm phát dai dẳng.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1% xuống 32.315,05 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,2% xuống 17.513,87 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 3.102,27 điểm.
Chứng khoán Seoul và Đài Bắc giảm hơn 1%, còn chứng khoán Sydney, Wellington, Mumbai và Jakarta cũng nằm trong vùng đỏ.
Mối lo ngày ngày càng tăng thêm trước nguy cơ Chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa, trong bối cảnh các nhà lập pháp nỗ lực giải quyết những khác biệt trong chi tiêu, dẫn đến cảnh báo điều đó có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.