Lý do chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống trong chiều 20/10

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ phiên chiều 20/10, khi thị trường có nhiều lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc với số ca COVID-19 mới tăng đột biến và nước này vẫn thực thi chiến lược "Zero COVID".

Chú thích ảnh
 Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei-225 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 17/8/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bên cạnh đó, quyết định trì hoãn công bố dữ liệu tăng trưởng quý III/2022 trong tuần này của Trung Quốc đã làm tăng thêm sự bất an cho các nhà đầu tư.

Phiên này tại thị trường Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong kết thúc với mức giảm hơn 1%. Hồi đầu phiên, Hong Kong có lúc lao dốc hơn 3% do chịu tác động từ nỗi lo của thị trường thế giới về triển vọng lạm phát và lãi suất.

Sau đó, thị trường này đã phục hồi phần nào khi có báo cáo Trung Quốc đang xem xét nới lỏng các quy tắc kiểm dịch đối với những người nhập cảnh vào nước này. Nhưng đà tăng đã không thể kéo dài.

Kết thúc phiên chiều 20/10, chỉ số Hang Seng giảm 1,4% (tương đương 231,06 điểm) xuống 16.280,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất 0,31% (9,33 điểm) xuống 3.035,05 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp vào phiên 20/10, khi tâm lý nhà đầu tư xấu đi trước lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 0,86% (19,35 điểm) và đóng cửa ở mức 2.218,09 điểm.

Tại Nhật Bản, chứng khoán Tokyo kết thúc phiên đi xuống do lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc đã làm lu mờ lực đẩy từ việc đồng yen suy yếu đối với các nhà xuất khẩu nước này. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 0,92% (250,42 điểm) và kết thúc ở mức 27.006,96 điểm.

Các thị trường Sydney, Wellington, Taipei, Singapore, Mumbai và Manila cũng trong vùng giảm điểm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng yen đã để mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 150 yen/USD bất chấp việc giới chức Nhật Bản liên tục cảnh báo can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng yen.

Trong phiên giao dịch chiều 20/10 tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua - bán giữa hai đồng tiền đã có lúc được niêm yết ở mức 150,05-06 yen/USD, tăng nhẹ so với giá niêm yết 149,82 - 149,83 yen/USD trên thị trường này vào lúc 9 giờ sáng nay. Đây là mức thấp nhất chưa từng thấy của đồng yen kể từ tháng 8/1990.

Đồng yen yếu thường được coi là một yếu tố tích cực đối với các công ty bán sản phẩm ở nước ngoài, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô.

Nhưng điều này đã bị che lấp bởi những lo ngại mới về lạm phát trên toàn thế giới, sau khi chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của cả Canada và Vương quốc Anh khiến giới đầu tư thêm lo lắng. Theo giới quan sát, các số liệu củng cố quan điểm rằng lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/10, chỉ số VN-Index giảm 1,62 điểm (0,15%) xuống 1.058,45 điểm. HNX-Index cũng để mất 2,02 điểm (0,89%) xuống 225,88 điểm.

H.Thủy (Tổng hợp)
Thị trường chứng khoán ngày 20/10: VN-Index không giữ nổi sắc xanh khi đóng cửa
Thị trường chứng khoán ngày 20/10: VN-Index không giữ nổi sắc xanh khi đóng cửa

Trong một phiên giao dịch buồn tẻ với thanh khoản thấp, VN-Index đã chuyển xanh trước phiên ATC, tuy nhiên, vẫn kết phiên trong sắc đỏ, giảm nhẹ 1,62 điểm so với tham chiếu. Toàn sàn HOSE có 131 mã tăng (1 mã trần), 287 mã giảm (7 mã sàn) và 92 mã đứng giá tham chiếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN