Đà tăng điểm của các công ty công nghệ lớn như Amazon, Alphabet và Meta Platforms đã giúp chỉ số Nasdaq tăng hơn 1% khi chốt phiên 14/8.
Tâm lý hưng phấn này cũng lan sang các thị trường châu Á, với chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,6% và khép phiên ở mức 32.238,89 điểm. Đà tăng này được hỗ trợ bởi sự khởi sắc của các công ty công nghệ và số liệu cho thấy kinh tế Nhật Bản tăng 1,5% trong quý II nhờ đồng yen yếu thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ.
Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Đài Bắc và Kuala Lumpur, nhưng nhiều thị trường khác lại đảo chiều đi xuống, như Singapore, Bangkok và Wellington, trong khi thị trường Jakarta “đi ngang”.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1% xuống 18.581,11 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,1% xuống 3.176,18 điểm, khi một loạt các số liệu yếu từ nước này đã khiến giới đầu tư ngày càng lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong báo cáo mới nhất, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết doanh số bán lẻ - thước đo tiêu dùng chính của nước này trong tháng 7/2023 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm từ mức 3,1% ghi nhận hồi tháng Sáu và không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Cùng giai đoạn, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng trước tăng 3,7% so với cùng kỳ một năm trước. Mức tăng này yếu hơn so với con số 4,4% của tháng Sáu.
Trung Quốc còn cho biết sẽ dừng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, sau khi tỷ lệ này chạm mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng Sáu.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch 15/8, VN-Index giảm 2,73 điểm xuống 1.234,05 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 912 triệu đơn vị, tương ứng gần 19.214 tỷ đồng. Toàn sàn có 232 mã tăng giá, 221 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,01 điểm lên 251,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 126 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.243 tỷ đồng. Toàn sàn có 102 mã tăng giá, 94 mã giảm giá và 57 mã đứng giá.