Liệu giá vàng miếng SJC có vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng?

Sáng 10/5, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thẳng đứng, áp sát gần mốc 91 triệu đồng/lượng. Trước việc giá vàng trong nước liên tục xác lập kỷ lục mới, các chuyên gia cho rằng, khi nguồn cung vàng trong nước không tăng, thì giá vàng sẽ tiếp đà tăng theo thế giới.

Chú thích ảnh
Liệu giá vàng SJC có thể vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng trong thời gian tới? Ảnh minh họa

Tính theo giờ Việt Nam (đêm 9/5), giá vàng thế giới có nhịp tăng mạnh với mức tăng khoảng 40 USD/ounce, lên gần 2.350 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá VNĐ/USD hiện tại, giá vàng thế giới tương đương với khoảng 72 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên đến gần 19 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang chứng kiến đà tăng mới, khi nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) sẵn sàng hạ lãi suất, căng thẳng địa chính trị lại lên cao và dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi. Trong khi đó, một số NHTƯ lớn quyết định cắt giảm lãi suất hoặc ra tín hiệu sẵn sàng cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong tương lai. Tuy nhiên, lãi suất thấp hơn làm giảm “chi phí cơ hội” của việc nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lãi, khiến nó trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn hơn.

Mặt khác, kim loại quý này là tài sản trú ẩn an toàn, do những bế tắc trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas sau khi Israel tiếp tục xâm nhập vào Rafah. Rủi ro địa chính trị cũng lên cao khi báo cáo mới về tình hình căng thẳng ở Ukraine vẫn chưa chùn xuống.

Một số dự báo lạc quan cho rằng, thị trường vàng thế giới có thể leo lên mốc 3.000 USD/ounce trong thời gian tới, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và nguy cơ xung đột quân sự vẫn khó lường, cộng thêm lực mua từ các NHTƯ nhằm đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối, cũng như lực mua từ các nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu là tại châu Á.

Trong trường hợp giá kim loại quý này có thể leo lên mức như thế, giá vàng thế giới quy đổi có thể ở mức 92,6 triệu đồng/lượng nếu tính theo tỷ giá USD/VNĐ  là 25.600 đồng. Nếu chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới vẫn duy trì ở mức 19 triệu đồng/lượng như hiện nay, giá vàng SJC trong nước có thể chạm mốc 110 triệu đồng/lượng, tức có thể tăng thêm hơn 22% từ mức hiện nay.

Dự báo này có thể xảy ra, nếu trong thời gian tới Việt Nam không có nguồn cung vàng ra thị trường.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đánh giá, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có mở thêm các phiên đấu thầu, nhưng với mức giá tham chiếu quá cao như vừa qua, thì khả năng cũng sẽ bị hủy. Nguồn cung không đủ, trong khi cầu vẫn tăng, thì giá vàng trong nước sẽ ngày càng tăng, do NHNN không thể bình ổn được thị trường vàng theo những cách truyền thống.

"Thêm nữa, thời điểm hiện tại lại không thể nhập khẩu vàng, do áp lực tỷ giá đang cao. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bình ổn thị trường vàng, nhưng không được gây áp lực lên tỷ giá. Hai điều này mâu thuẫn với nhau: Thiếu cung phải phải nhập khẩu vàng, nhưng nhập khẩu vàng hiện nay không được, vì phải chờ áp lực tỷ giá qua đi", ông Nguyễn Hữu Huân chia sẻ quan điểm.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng đánh giá, vàng SJC trong nước từ trước đến nay nguồn cung vẫn ít hơn cầu. Đây là nguyên nhân giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp kinh doanh vàng có dự báo về giá vàng như thế nào, từ đó có dám mua hay không? Nếu lượng cung không tăng, các doanh nghiệp vàng không muốn đấu thầu thì trong trường hợp giá vàng thế giới tăng lên 2.400 - 2.500 USD/ounce, giá vàng trong nước có thể lên đến 100 triệu đồng/lượng.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, bên cạnh các yếu tố kinh tế, chính trị thế giới, nguồn cung vàng miếng không có thì giá vàng trong nước tăng vừa qua là do nhu cầu vàng vẫn còn và kỳ vọng giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng, trong năm nay, khả năng giá vàng miếng SJC lên đến 100 triệu đồng là thấp, xác suất chỉ khoảng 30%. Lý giải cho điều này, chuyên gia dự báo sẽ có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng giá vàng tăng quá nóng như thời gian vừa qua. Mặt khác, nếu giá vàng tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng. Lúc đó, bong bóng giá vàng sẽ vỡ.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng hơn vẫn là phải có giải pháp xác định một cách tương đối cung - cầu hiện nay của thị trường để xác định những diễn biến tăng giá hay chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước ngày càng mở rộng, thật sự có phải đến từ lực cầu quá vượt trội so với nguồn cung, hay chỉ là do bàn tay thao túng giá của các "tay chơi lớn"?.

Tương tự, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT cho rằng, kịch bản giá vàng lên 100 triệu đồng/lượng trong năm nay dự báo sẽ không xảy ra. Do đó, người ôm vàng vẫn đang chờ đợi giá vàng còn tiếp tục tăng mạnh sẽ gặp nhiều rủi ro.

Còn về thời điểm thích hợp để mua hay bán vàng, ông Huấn khuyến nghị công thức 10 - 15%. Khi giá vàng tăng với biên độ 10 - 15%, người ôm vàng có thể bán ra. Nếu giá vàng giảm, người đầu tư có thể mua vào. Mỗi nhà đầu tư có một khẩu vị riêng sẽ có quyết định riêng về thời điểm mua, bán hay tỷ trọng bán ra trong danh mục tài sản.

Tuy nhiên, đó chỉ là những dự báo và cách tính đầy lạc quan, còn thực tế rủi ro của giá vàng hiện nay là khá lớn nếu nhà đầu tư mua thời điểm này. Rủi ro thứ nhất là dù thị trường vàng thế giới vẫn đang ở trong xu hướng tăng dài hạn, nhưng theo phân tích của các công ty vàng, xu hướng trung hạn đang phát đi những tín hiệu có thể điều chỉnh sau mạch tăng khá mạnh từ tháng 10 năm ngoái đến nay, đặc biệt là trong 2 tháng vừa qua. Vì vậy, những người mua ở vùng giá cao vào lúc này có thể mất chi phí cơ hội trong trường hợp thị trường cần phải mất nhiều thời gian hơn dự tính để leo lên được mức giá như vậy.

Rủi ro thứ hai là mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đang duy trì khoảng cách rất xa, nhưng khó mà duy trì trong thời gian dài vì điều này sẽ làm hạn chế người mua, khi đó mức giá dù neo cao nhưng chủ yếu đến từ động cơ giữ giá của người bán hơn là lực cầu từ người mua. Chưa kể, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tiếp tục tìm mọi giải pháp để bình ổn thị trường này, khi mà giá vàng tại Việt Nam thường có những tác động tâm lý đến các mặt hàng khác, góp phần tạo nên lạm phát kỳ vọng và giảm giá sức mua đồng tiền.

Có thể thấy, đề xuất về đánh thuế giao dịch vàng, yêu cầu mua bán phải có hóa đơn hay cấm dùng tiền mặt thanh toán mua bán vàng, thanh kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vàng chính là một trong những rủi ro khác mà các nhà đầu tư trên thị trường này cần phải xem xét, ngoài rủi ro về giá.

Hải Yên/Báo Tin tức
Giá vàng SJC sáng 10/5 vượt 90 triệu đồng/lượng
Giá vàng SJC sáng 10/5 vượt 90 triệu đồng/lượng

Sáng 10/5, giá vàng miếng SJC cả hai chiều mua vào và bán ra tại một số doanh nghiệp vàng đồng loạt tăng 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua vượt mức kỷ lục trên 90 triệu  đồng/lượng chiều bán ra. Giá vàng nhẫn cũng trong xu hướng tăng. Giá vàng trong nước tăng mạnh cùng nhịp tăng giá vàng thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN