Giá vàng châu Á hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần 

Giá vàng châu Á đang hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần qua.

Giá vàng hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần

Giá vàng châu Á đang hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần qua, do tỷ lệ đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất sụt giảm đã thúc đẩy đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu. Hiện giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 12/2023 của Mỹ để có thêm định hướng về triển vọng lãi suất.

Chú thích ảnh
Giá vàng châu Á đang hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần qua. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Cuối phiên giao dịch 5/1, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên mức 2.044,57 USD/ounce. Tính đến thời điểm hiện tại trong tuần, giá kim loại quý này đã giảm khoảng 0,9%.

Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên 2.051,40 USD/ounce.

Ông Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận phân tích vĩ mô toàn cầu tại công ty dữ liệu tài chính Tastylive, cho biết: “Giá vàng giảm trong tuần này do lợi suất trái phiếu và đồng USD phục hồi. Nguyên nhân chính là bởi thị trường đã giảm bớt kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ đầu năm mới”.

Chỉ số USD tăng 0,1% so với các đồng tiền chủ chốt và đang hướng tới tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng 7/2023, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ ở mức trên 4% và đang hướng tới tuần diễn biến tốt nhất kể từ tháng 10/2023. Biên bản cuộc họp ngày 12-13/12 của Fed cho thấy các quan chức của ngân hàng này tin rằng lạm phát đang được kiểm soát nhưng lưu ý mức độ không chắc chắn ngày càng tăng về triển vọng cắt giảm lãi suất.

Ông Spivak nói thêm: “Fed đã phát tín hiệu cắt giảm lãi suất trong năm nay, vì vậy câu hỏi bây giờ là ở mức độ cắt giảm”.

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng- vốn là tài sản không sinh lời. Theo công cụ CME FedWatch, những người tham gia thị trường đã hạ thấp kỳ vọng của họ về việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, với khoảng 65% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2023, so với tỷ lệ dự đoán của một tuần trước đó là 90%.

Cùng ngày, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 23,11 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,8% xuống 949,37 USD/ounce. Giá palladium tăng 0,3% lên 1.040,17 USD/ounce, sau khi chứng kiến 8 phiên trượt giá liên tiếp.

Tại Việt Nam, phiên chiều 5/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,00 - 75,02 triệu đồng/lượng (mua vào -bán ra).

Giá dầu đi lên sau biên bản cuộc họp của Fed

Giá dầu tại thị trường châu Á tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/1, sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy lạm phát đã được kiểm soát và việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị đến thăm Trung Đông để cố gắng ngăn chặn xung đột tại Gaza lan rộng.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 31 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 77,90 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn của Mỹ tăng 43 xu, tương đương 0,6%, lên 72,62 USD/thùng.

Cả hai loại dầu chủ chốt này đều có xu hướng tăng vào cuối tuần đầu tiên của năm 2024, bù đắp được đà giảm trước đó, khi giá giảm sâu do lượng tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất hàng tuần của Mỹ tăng mạnh.

Mặc dù biên bản cuộc họp của Fed không cung cấp manh mối trực tiếp về việc khi nào ngân hàng này sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, nhưng các cuộc thảo luận cho thấy lạm phát đang được kiểm soát và mối lo ngại ngày càng tăng về những rủi ro mà chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức có thể gây ra cho nền kinh tế. 

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay tiêu dùng, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu.

 Thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm bất nhất

Chứng khoán châu Á biến động bất nhất trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/1, thêm động lực để khiến chứng khoán toàn cầu dứt chuỗi 9 tuần tăng điểm liên tiếp. Trong khi đó, đồng USD đã sẵn sàng cho tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5/2023 khi tỷ lệ đặt cược vào việc Fed sớm cắt giảm lãi suất đã giảm.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đã giảm 0,49% trong phiên này, dẫn tới mức giảm 1,78% trong cả tuần.

Ông Lewis Grant, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao về cổ phiếu toàn cầu tại công ty đầu tư Federated, cho biết: “Thị trường chứng khoán khởi động yếu ớt vào đầu năm 2024 cho thấy các nhà đầu tư đang cảm thấy bất an sau sự khởi sắc trong tháng 12, đồng thời nhận ra thực tế rằng xu hướng tăng điểm có thể diễn ra quá sớm”. Ông nói: “Sự nhạy cảm về các dữ liệu vĩ mô luôn được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Sự không chắc chắn vẫn còn và nhiều diễn biến sẽ phụ thuộc vào các báo cáo kinh tế đầu tiên của năm 2024”.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng điểm vào phiên 5/1, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm điểm liên tiếp, do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu của các nhà xuất khẩu nhờ đồng yen suy yếu so với đồng USD, do kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất. Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 giảm 89,13 điểm, tương đương 0,27%, xuống mức 33.377,42 điểm.

Trái lại, thị trường chứng khoán Hàn Quốc lại ghi nhận phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp trong phiên này. Chốt phiên, chỉ số KOSPI giảm 8,94 điểm, tương đương 0,35%, đóng cửa ở mức 2.578,08 điểm. Như vậy, chỉ số KOSPI đã giảm 2,9% trong tuần này.

Tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt ngả sắc đỏ, kết thúc một tuần khó khăn và khởi đầu năm 2024 khá tồi tệ. 

Công ty dữ liệu việc làm ADP ngày 4/1 cho biết khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự đoán trong tháng 12/2023. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động "khỏe mạnh" có thể tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế dù lãi suất tăng. Điều này dập tắt hy vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Khép phiên 5/1, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 0,66%, tương đương 110,65 điểm, xuống 16.535,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,85%, tương đương 25,17 điểm, xuống 2.929,18 điểm.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên 5/1, chỉ số VN - Index tăng 3,96 điểm (0,34%) lên 1.154,68 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 0,20 điểm (0,09%) lên 232,76 điểm.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)
Giá dầu thế giới tăng hơn 3% do lo ngại về nguồn cung
Giá dầu thế giới tăng hơn 3% do lo ngại về nguồn cung

Giá dầu thế giới tăng khoảng 3% trong phiên 3/1, sau khi tình hình gián đoạn tại mỏ dầu hàng đầu của Libya làm tăng thêm lo ngại rằng căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN