Giá dầu thế giới liên tục tăng cao do nguồn cung biến động mạnh

Giá dầu thế giới đã tăng liên tiếp trong tuần vừa qua (11-16/9), do lệnh cắt giảm sản lượng khai thác của Nga và Saudi Arabia dẫn tới nguồn cung bị thắt chặt, trong khi sự lạc quan đối với hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang tăng dần, báo hiệu sự mở rộng nhu cầu dầu toàn cầu.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Tại phiên giao dịch cuối tuần (15/9), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã tăng 23 xu USD, tương đương 0,3%, đạt 93,93 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 61 xu USD, tương đương 0,7%, đóng cửa ở mức 90,77 USD/thùng.

Tính theo tuần, cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 4%, phá mốc 90 USD/thùng từ ngày 12/9 khi đạt mức giá giao dịch cao nhất trong 10 tháng và liên tục xác lập mức đỉnh của năm 2023 trong những ngày sau đó. Tính trung bình hàng quý, giá dầu cũng đang hướng tới mức tăng lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào quý I/2022.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của tại công ty tài chính OANDA cho biết, giá dầu thô tiếp tục xu hướng tăng, sau khi báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt hơn rất nhiều so với dự báo trước đó.

Từ đầu tháng 9/2023, Saudi Arabia và Nga đã gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng, tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày, cho đến cuối năm nay. Tuần trước, Libya, một thành viên của OPEC, đã phải đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía Đông đất nước do một cơn bão mạnh, trong khi Kazakhstan, thành viên của OPEC và các đối tác (OPEC+) thông báo cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì hệ thống.

Nhà phân tích tại công ty tài chính City Index, Fiona Cincotta, cho biết trong khi nguồn cung bị thắt chặt, các dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 8/2023 tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, thúc đẩy niềm tin rằng nhu cầu dầu tại thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai của thế giới, sẽ sớm phục hồi.

Ngày 15/9, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay, trong tháng 8/2023, công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tăng gần 20% so với một năm trước do các nhà chế biến duy trì công suất hoạt động ở mức cao để tận dụng nhu cầu cao trên toàn cầu đối với các sản phẩm dầu.

Nhà phân tích Peter McNally của công ty nghiên cứu đầu tư Third Bridge cho biết kỳ vọng về việc giảm sản lượng dầu của Mỹ cũng đã thúc đẩy giá trong những tuần gần đây. Ông McNally nhận định tăng trưởng nguồn cung từ Mỹ dường như bị hạn chế do các nhà sản xuất tại đây đã giảm hoạt động giàn khoan gần 20% so với mức đỉnh của năm ngoái.

Nhận định về triển vọng giá dầu trong thời gian tới, các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu có thể sớm tăng lên trên 100 USD/thùng.

Trong một báo cáo nghiên cứu thị trường phát hành ngày 12/9, Bank of America cho biết: “Nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm, trong bối cảnh nhu cầu của khu vực châu Á có dấu hiệu tích cực, thì chúng tôi tin rằng giá dầu Brent có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng trước năm 2024”.

Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM đồng ý với nhận định trên, cho biết việc giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng là “hợp lý”, dựa trên các phân tích về những hạn chế sản xuất từ Saudi Arabia và Nga, cũng như tình trạng bảo trì các nhà máy lọc dầu sắp tới và sự thiếu hụt cơ cấu dầu diesel ở khu vực châu Âu, đi kèm với sự đồng thuận ngày càng tăng rằng chu kỳ thắt chặt hiện tại sẽ sớm kết thúc trên toàn cầu.

Tuy nhiên, chuyên gia Varga lưu ý việc giá dầu phục hồi lên mức cao sẽ kéo theo áp lực lạm phát mới. Điều này đã sớm được phản ánh trong dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng, cho thấy lãi suất có thể sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và có thể có tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/9 cảnh báo động thái hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và Nga có thể sẽ dẫn đến tình trạng “thâm hụt thị trường đáng kể” trong quý IV/2023.

Chuyên gia Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu và là nhà quản lý bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần dầu khí EMEA tại ngân hàng JPMorgan, tin rằng giá dầu có thể giao dịch trong khoảng từ 80 USD/thùng đến 100 USD/thùng trong ngắn hạn và giữ mức giá quanh ngưỡng 80 USD/thùng trong thời gian dài sau đó.

Một số chuyên gia đã có suy đoán khác khi cho rằng giá dầu khó có thể quay trở lại mức 100 USD/thùng. Chuyên gia Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nói dầu thô có vẻ đang bị mua quá mức và trong thời gian tới các thị trường sẽ có sự điều chỉnh lượng cung – cầu. Theo chuyên gia Hansen, dầu Brent chỉ được giao dịch ở mức giá trên 90 USD/thùng trong khoảng thời gian tương đối ngắn, sau đó sẽ quay đầu đi xuống.

Diệu Linh (TTXVN)
Giá dầu có thể chạm mốc 100 USD vào cuối năm nay
Giá dầu có thể chạm mốc 100 USD vào cuối năm nay

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng vào ngày 13/9, sau khi dự báo bất ngờ về lượng dầu tồn kho của Mỹ không thể xóa đi nỗi lo về nguồn cung vào cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN