Giá dầu thế giới đi ngang trong phiên 6/7

Phiên 6/7, giá dầu thế giới gần như đi ngang, trong bối cảnh thị trường bị sức ép trước tình trạng nguồn cung dầu thô của Mỹ thắt chặt hơn và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất - nhân tố có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.

Chú thích ảnh
Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, LB Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 13 xu Mỹ xuống 76,52 USD/thùng, sau khi tăng 0,5% trong phiên trước đó.

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1 xu lên 71,80 USD/thùng, sau khi tăng 2,9% hôm 5/7 để “bắt kịp” mức tăng của dầu Brent trong tuần này.

Thị trường dự đoán lãi suất tại Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục tăng hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng sau các cuộc khảo sát gần đây cho thấy hoạt động chế tạo và dịch vụ tại Trung Quốc và châu Âu đang giảm tốc.

Theo biên bản cuộc họp chính sách được công bố ngày 5/7, hầu hết các quan chức của Fed đều cho rằng cần phải thắt chặt lãi suất hơn nữa.

Triển vọng về một đợt tăng lãi suất tăng lên sau khi thị trường nhận được báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ.

Một yếu tố đang hỗ trợ giá dầu là dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước.

Dự trữ dầu thô đã giảm 1,5 triệu thùng trong tuần trước xuống 452,2 triệu thùng, so với dự báo giảm 1 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Dữ trữ xăng và các chế phẩm dầu mỏ của Mỹ cũng giảm.

Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết mặc dù số liệu về dự trữ xăng dầu hỗ trợ thị trường, song thị trường dầu hiện đang bị chi phối bởi những lo ngại về khả năng lãi suất tiếp tục tăng. Điều này xảy ra vào thời điểm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, trong đó đặc biệt là Saudi Arabia và Nga, đang nhắc lại cam kết  hạn chế sản xuất và xuất khẩu.

Các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga đã công bố đợt cắt giảm sản lượng mới cho tháng 8/2023. Việc cắt giảm sản lượng, cùng với dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, đã mang đến một số hỗ trợ cho thị trường.

Các bộ trưởng của OPEC và Giám đốc điều hành từ các công ty dầu mỏ cho rằng các chính phủ cần chuyển sự chú ý từ cung sang cầu. Thay vì gây sức ép buộc các nhà sản xuất dầu hạn chế nguồn cung, các chính phủ nên chuyển trọng tâm sang hạn chế nhu cầu dầu để giảm lượng khí thải.

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu thế giới giảm do lo ngại về triển vọng nhu cầu
Giá dầu thế giới giảm do lo ngại về triển vọng nhu cầu

Giá dầu thế giới giảm 1% trong phiên 3/7 do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và khả năng Mỹ tăng lãi suất lấn át sự hỗ trợ từ việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN