Xung đột Hamas - Israel:

Giá dầu tăng mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo

Do lo ngại xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas có nguy cơ leo thang, đẩy khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ vào tình trạng bất ổn hơn nữa, thị trường năng lượng và tiền tệ trên thế giới đã có những biến động mạnh mẽ.

Chú thích ảnh
Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận những phản ứng trái chiều.

Trong phiên giao dịch trên thị trường châu Á ngày 9/10, giá các hợp đồng dầu thô Brent và WTI đều tăng mạnh ở mức trên 5% so với giá của các hợp đồng trước khi xảy ra xung đột nói trên. Đến cuối phiên giao dịch, mức tăng đã hạ nhiệt, qua đó giúp phục hồi phần nào mức giảm của tuần trước. Cụ thể, chốt phiên, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng khoảng 4,2% lên mức 88,15 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 11/2023 tăng 4,3% lên 86,38 USD.

Theo giải thích của bà Susannah Streeter - người đứng đầu bộ phận thị trường và tiền tệ của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown có trụ sở ở Anh, giới đầu tư lo ngại nguy cơ cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas có thể căng thẳng hơn nữa nếu các nước khác bị lôi kéo vào cuộc xung đột này. Khi đó, nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu thô ở khu vực Trung Đông là có thể xảy ra. 
Đồng quan điểm trên, ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường của công ty OANDA cho rằng xung đột nói trên làm gia tăng quan ngại về nguy cơ Trung Đông có thể rơi vào bất ổn hơn nữa, làm gián đoạn nguồn cung dầu thô vào thời điểm nguồn cung trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh và giá dầu tăng cao. Trước đó, Saudi Arabia và Nga thông báo kéo sẽ dài thời hạn tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thêm 3 tháng, cho đến cuối tháng 12/2023.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới cũng chứng kiến phiên giao dịch khá hỗn loạn vào ngày 9/10. Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) và thị trường chứng khoán châu Âu đều “hồi hộp” chờ đợi tin tức liên quan đến cuộc xung đột nói trên ở Trung Đông. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall đã “đi ngang” trong hai giờ đồng hồ liền tại phiên giao dịch ngày 9/10, trước khi tăng nhẹ trở lại. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones và chỉ số tổng hợp S&P 500 đều tăng 0,6% lên lần lượt là 33.604,65 điểm và 4.335,66 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng nhẹ 0,4% so với phiên giao dịch trước, lên 13.484,24 điểm.

Ngược lại, các thị trường chứng khoán châu Âu đều chứng kiến phiên giao dịch ảm đạm trong ngày 9/10. Chỉ số chứng khoán DAX trên sàn giao dịch chứng khoán của Frankfurt (Đức) giảm 0,7%, chốt phiên ở mức 15.128,11 điểm, chỉ số CAC 40 trên thị trường chứng khoán Paris (Pháp) giảm 0,6% xuống 7.021,40 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 cũng giảm 0,8% xuống 4.112,57 điểm. Chỉ số FTSE-100 của Anh đã đi ngang trong phiên cùng ngày, nhờ sự hỗ trợ của hai tập đoàn năng lượng Shell và hãng dầu khí BP của nước này công bố lợi nhuận cao.

Tình trạng trái chiều cũng diễn ra trên các thị trường chứng khoán châu Á. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng nhẹ 0,2% lên 17.517,40 điểm, trong khi chỉ số Shanghai – Composite của Thượng Hải giảm 0,4% xuống 3.096,92 điểm.

Giá kim loại quý trên thị trường giao dịch thế giới đã tăng mạnh. Đặc biệt, giá vàng - kim loại quý mà giới đầu tư vẫn coi là tài sản đầu tư an toàn vào thời điểm bất ổn, đã tăng 1,2% lên mức 1.854 USD/ounce.

Nhà phân tích Fawad Razaqzada thuộc công ty dịch vụ tài chính Stone X miêu tả tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường thế giới đang trong tình trạng “tránh rủi ro”. 

Nhận định về xu hướng thị trường, ông Mohit Kumar - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu thuộc ngân hàng đầu tư kiêm công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại New York (Mỹ) Jefferies, cho rằng những diễn biến địa chính trị liên quan đến cuộc xung đột sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, tiền tệ và chứng khoán trong những ngày tới. 

Theo nhận định của bà Tina Fordham - chiến lược gia về các vấn đề địa chính trị đồng thời là nhà sáng lập công ty tư vấn Fordham Global Foresight, nếu cuộc xung đột lan rộng thì điều này không chỉ khiến giá dầu tăng mạnh, mà còn gây ra những hệ quả mang tính hệ thống. Trong đó, đáng quan ngại là sự gia tăng mức lạm phát toàn cầu trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực kiềm chế chỉ số này trong nhiều năm qua.

Sau khi cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10, Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant thông báo quyết định phong tỏa “toàn bộ” Dải Gaza, trong đó có lệnh cấm nhiên liệu và lương thực. Nga cảnh báo nhiều khả năng sẽ có bên thứ ba bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.

Trong diễn biến liên quan, ngày 9/10, tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ thông báo đã tạm ngừng hoạt động khai thác khí đốt tự nhiên ngoài khơi Israel, theo đề nghị của giới chức quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, tập đoàn khẳng định vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho khách hàng tại Israel và các nước khác trong khu vực từ mỏ khí thiên nhiên Leviathan thuộc vùng biển nước sâu của Israel.

Nguyễn Hà (TTXVN)
Giá dầu thế giới tăng hơn 4% sau diễn biến mới ở Trung Đông
Giá dầu thế giới tăng hơn 4% sau diễn biến mới ở Trung Đông

Giá dầu thế giới tăng hơn 4% trong phiên 9/10, khi xung đột tại Trung Đông đã gây lo ngại sẽ lan rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN