Phiên này, giá dầu Brent tăng 21 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 48,46 USD/thùng vào lúc 15 giờ 2 phút ngày 3/12 (theo giờ Việt Nam), sau khi đã tăng 1,8% vào thứ Tư. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 11 xu Mỹ (0,2%) lên 45,39 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ nối lại các cuộc thảo luận vào ngày 3/12 (giờ địa phương) để thống nhất các chính sách cho năm 2021. Tại các cuộc đàm phán trước đó, các bên đã không đạt được thỏa hiệp về cách giải quyết nhu cầu dầu yếu đi trong bối cảnh xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.
OPEC và các nhà sản xuất dầu liên minh (còn gọi là nhóm OPEC+) đã được nhiều người dự kiến sẽ duy trì cắt giảm 7,7 triệu thùng dầu mỗi ngày (tương đương 8% nguồn cung toàn cầu) ít nhất cho đến tháng 3/2021.
Nhưng sau khi hy vọng về vaccine ngừa COVID-19 đã thúc đẩy một đợt tăng giá dầu vào cuối tháng 11/2020, một số nhà sản xuất đã đặt câu hỏi về sự cần thiết phải thắt chặt chính sách khai thác dầu, vốn được sự ủng hộ của nhà sản xuất hàng đầu OPEC là Saudi Arabia.
Công ty tư vấn tài chính ING Economics cho biết thị trường vẫn mong đợi OPEC+ rồi sẽ đi đến một thỏa thuận.
Một yếu tố khác cũng chi phối giá dầu trong phiên này là việc kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước, còn kho dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng mạnh do các nhà máy lọc dầu “giảm tốc” sản xuất trong bối cảnh nhu cầu suy yếu,
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày 2/12 cho biết các kho dự trữ dầu của nước này đã giảm 679.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/11, thấp hơn mức dự báo giảm 2,4 triệu thùng đưa ra trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của hãng tin Reuters. Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ tăng 3,5 triệu thùng vào cùng giai đoạn, lượng sản phẩm chưng cất dự trữ cũng tăng 3,2 triệu thùng.