04:09 18/04/2011

Thị trường tiền tệ, vàng chuyển biến tích cực

Sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết 11 của Chính phủ đang ảnh hưởng tích cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng. Song để kiềm chế được lạm phát, giảm lãi suất cho vay và cắt những “cơn sốt” trên thị trường vàng, ngoại tệ...

Sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết 11 của Chính phủ đang ảnh hưởng tích cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng. Song để kiềm chế được lạm phát, giảm lãi suất cho vay và cắt những “cơn sốt” trên thị trường vàng, ngoại tệ vẫn cần những giải pháp và sự thực hiện kiên trì, đồng bộ, quyết liệt từ phía các bộ, ngành.

Minh bạch, ổn định hơn

Tín hiệu tích cực rõ nét nhất từ thị trường ngoại hối, tiền tệ là các chợ đen mua bán ngoại tệ tự do gần như bị xóa sổ, tỷ giá mua - bán ngoại tệ, vàng không còn lên cơn sốt bất thường như trước đây.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM, Nghị quyết 11 đã được sự hưởng ứng đồng thuận nhanh chóng của các cơ quan, ban, ngành. Các đơn vị đã ngay lập tức có các chương trình hành động và có tác động tức thời đến thị trường.

Cùng quan điểm trên, ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ đang dần phát huy tác dụng trong đời sống, đặc biệt là chính sách tiền tệ được thực hiện đồng bộ và quyết liệt trong thời gian qua đã kiểm soát được thị trường ngoại tệ, tỷ giá mua bán ngoại tệ giảm và dần dần đi vào ổn định.

Kiểm đếm USD giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank). Ảnh: Trần Viết - TTXVN


Theo các chuyên gia, việc tỷ giá ổn định sẽ hạn chế bớt tác nhân gây lạm phát. Khi chúng ta ổn định được tỷ giá trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng lên thì sẽ tránh được tình trạng lạm phát kép do vừa kết hợp của lạm phát thế giới cộng với tỷ giá gây ra.

Để hạn chế hoạt động của USD, vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quy định trần lãi suất huy động USD không quá 3%, đồng thời sẽ nâng dự trữ bắt buộc từ 4% lên 6% đối với tiền gửi ngoại tệ cá nhân bằng USD. Theo ông Kiêm, quyết định này sẽ giúp NHNN thu hút được một lượng ngoại tệ, làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Khi hoạt động của ngoại tệ bị thu hẹp, tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân giảm dần sẽ làm tăng dự trữ ngoại hối cho Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán. “Khi người dân cảm thấy gửi ngoại tệ không có lợi, họ sẽ bán ngoại tệ chuyển sang gửi tiền bằng VND, làm cho lượng tiền VND nhiều lên, từ đó có nguồn cung cấp phục vụ đời sống, giảm lãi suất cho vay VND”, ông Kiêm nói.

Bên cạnh đó, các giải pháp của Nghị quyết 11 còn khiến ổn định được thị trường vàng. Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới liên thông với nhau sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ buôn lậu vàng. Chính sách tiền tệ cũng hạn chế vốn vào thị trường bất động sản, tiêu dùng, tập trung vốn cho những khu vực ưu tiên hơn như nông nghiệp.

Cần lộ trình dài hơi

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giảm được lạm phát, từ đó hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp không phải là vấn đề có thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” được. Vì hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng vẫn còn cao, mặt bằng giá cả trong nước một phần bị ảnh hưởng bởi giá cả thế giới đang tăng lên, đẩy giá trong nước tăng theo.

Thêm vào đó, Chính phủ vừa điều chỉnh giá xăng, giá điện lên cho phù hợp với thị trường, từ ngày 1/5 tăng lương sẽ kích giá thêm chút nữa. “Vì vậy, phải tới giữa quý III/2011, khi giá cả thị trường ổn định mới có thể giảm giá lãi suất cho vay VND được”, ông Kiêm nhận định.

Bên cạnh đó, mặc dù thị trường ngoại hối đã được kiểm soát nhưng các nhu cầu thiết yếu của người dân về ngoại tệ vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Do vậy "Nhà nước cần quy định rõ những nơi nào sẽ bán ngoại tệ cho người dân, không để tình trạng mua bán chui lủi tiếp tục xảy ra", TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu ý kiến.

Theo ông Lịch, lạm phát năm nay giống lạm phát năm 2008, cách chống lạm phát cũng tương tự, tuy nhiên chúng ta phải chống lạm phát có lộ trình dài hơi hơn để tránh lạm phát quay trở lại ngay sau đó. Trong đó, phải mạnh tay cắt giảm đầu tư công một cách triệt để, chứ không phải là đình hoãn, cắt giảm tạm thời, từ đó góp phần giảm tổng cầu, giảm nhập siêu và góp phần kiềm chế lạm phát triệt để.

V.H