11:06 19/11/2014

Thị trường thức ăn chăn nuôi chưa phát triển lành mạnh

Theo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp, thị trường thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, khi các DN này chiếm phần lớn thị phần và có khả năng điều khiển thị trường, có thể gây thiệt hại cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp, thị trường thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, khi các DN này chiếm phần lớn thị phần và có khả năng điều khiển thị trường, có thể gây thiệt hại cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

“Dựa dẫm” nước ngoài

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 8/2014, Việt Nam đã chi gần 2,21 tỷ USD cho nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu TĂCN, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2013. Việc phụ thuộc nhập khẩu là do Việt Nam chưa sản xuất được những loại nguyên liệu TĂCN bổ sung, trong khi đó hai loại chiếm tỷ trọng lớn là ngô và đỗ tương ở trong nước hiện vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Đánh giá của Hiệp hội TĂCN cho thấy, do phải phụ thuộc nhập khẩu đến 50% nên giá TĂCN thế giới sẽ quyết định giá thành sản phẩm chế biến ở Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất của người nông dân.

Ông Lương Hồng Đoán, một nông dân tại tỉnh Đồng Nai chia sẻ, mặc dù là người sản xuất nhưng người nông dân hiện mất đi hai quyền. Thứ nhất, đi mua TĂCN bị định giá và thứ hai, không có quyền quyết định mức giá bán ra. “Mặc dù sản lượng TĂCN trong nước tăng, thuế VAT 5% cũng đã được bãi bỏ, nhưng giá TĂCN chưa được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người nông dân”, ông Đoán nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp công bố ngày hôm qua (18/11) cho thấy, chi phí cho TĂCN chiếm tới 70% tổng giá trị thị trường chăn nuôi. TS Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ngành sản xuất TĂCN trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu với mức nhập trung bình khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu/năm. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá Việt Nam phải nhập tới 90%; còn khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu hoàn toàn.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, thị trường TĂCN đang bị điều khiển bởi một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các DN này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, có hiện tượng liên kết định giá khi các công ty nhỏ định giá theo các công ty lớn. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi các công ty FDI sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn. Từ đó, các DN này định giá bán TĂCN cao hơn mức giá cạnh tranh gây thiệt hại cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Theo đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đang chiếm thị phần cao nhất trong sản xuất thức ăn gia súc tại Việt Nam, ở mức 19,42%. Tiếp đến là Công ty TNHH Cargill Việt Nam khoảng 8,11%, Công ty Proconco là 7,51%, còn lại thuộc về ANT, Greenfeed, AnCo, Japfa.

“Mặc dù số lượng nhà máy của các DN liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài không nhiều nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng, chiếm 60 - 65% tổng sản lượng TĂCN sản xuất ra. Ngược lại, khối tư nhân và khối Nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhất nhưng lại chỉ chiếm 35 - 40% tổng sản lượng. Điều này chứng tỏ năng lực và khả năng cạnh tranh của các DN trong nước vẫn còn rất kém so với DN liên doanh hay có vốn đầu tư nước ngoài”, TS Nguyễn Văn Giáp nhận định.

Minh bạch về giá


Đồng tình với kết quả mà báo cáo Liên minh Nông nghiệp đưa ra, TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp cho rằng, chưa có bằng chứng chính xác để khẳng định thế độc quyền của các công ty FDI nhưng cũng có cơ sở cho những nghi ngờ này. TS Đào Thế Anh phân tích, DN nước ngoài có quy mô và mạng lưới rộng lớn trong khi DN Việt Nam nhỏ nên tình trạng chèn ép, gây ảnh hưởng là không tránh khỏi. “Chúng ta cũng thấy, có những thời điểm giá ngô trong nước và thế giới đều giảm nhưng giá TĂCN không những không giảm mà còn tăng lên chứng tỏ có tình trạng định giá giữa các công ty với nhau”, ông Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Để khống chế hiện tượng này, TS Đào Thế Anh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách để các DN công khai giá bán TĂCN. Việc công khai này nhằm tránh tình trạng DN phá giá để thu hút khách hàng hoặc chi hoa hồng cao cho các đại lý. Bên cạnh đó, cũng cần tính đúng các loại thuế để tránh tình trạng DN chuyển giá hay trốn thuế.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Giáp, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, công ty TĂCN FDI có vai trò lớn trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, tạo dựng thị trường mới, giới thiệu khoa học công nghệ và phát triển thị trường chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, Nhà nước cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và tạo ra khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty trong nước, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh cho thị trường.


Thu Phương