Thắt chặt quản lý đối với tiền ảo

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam để đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành nhằm đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hình ảnh đồng tiền ảo Bitcoin tại một cửa hàng ở Tokyo ngày 7/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tiền ảo Bitcoin và các loại tiền ảo khác.

Cơ quan này cũng đã nhiều lần cảnh báo những rủi ro đến từ tiền ảo Bitcoin. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng.

Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử”.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao làm đầu mối rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ (thời hạn hoàn thành là tháng 8/2018); đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo cũng như biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan tới tài sản ảo, tiền ảo.

Trên thế giới, Bitcoin là đồng tiền ảo được biết đến rộng rãi nhất hiện nay, được ra đời trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính (xuất phát từ cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ) lan rộng trên phạm vi toàn cầu vào năm 2008. Đầu tháng 11/2008, nhân vật có tên Satoshi Nakamoto đã đưa lên mạng ý tưởng về đồng tiền ảo Bitcoin.

Bitcoin được vận hành bởi một hệ thống máy tính ngang hàng được lập nên bởi các máy tính của người dùng. Satoshi Nakamoto tự tạo ra 50 Bitcoin đầu tiên vào ngày 3/1/2009.

Do tiền ảo mới xuất hiện và phát triển quá nhanh, nên các cơ quan quản lý tại nhiều nước mới chỉ theo dõi và đưa ra một vài cảnh báo, chưa thể đưa ra được cách thức cụ thể để quản lý hoạt động kinh doanh tiền ảo.

Phần lớn các nước đã có tuyên bố liên quan đến Bitcoin và đều gián tiếp hoặc trực tiếp không thừa nhận Bitcoin và các đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hay đồng tiền pháp định của quốc gia mình. Đồng thời đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo và không được nhà nước bảo vệ đối với những rủi ro, tổn thất nếu xẩy ra.

Ở cấp độ này, nhiều nước không cấm việc trao đổi và mua bán Bitcoin cũng như các loại tiền ảo và coi đó như một loại tài sản và đánh thuế trên các giao dịch mua bán Bitcoin (như Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…).

Hay một số quốc gia cho phép sự hình thành và phát triển của các sàn giao dịch Bitcoin và các loại tiền ảo thông qua cấp giấy phép hoạt động như Nhật Bản, Singapore hay bang New York (Hoa Kỳ)…

Gần đây, đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đối xử của các nước đối với tiền ảo. Liên bang Nga và Thái Lan đã từ việc coi giao dịch mua bán, trao đổi và sử dụng Bitcoin là bất hợp pháp sang biện pháp cảnh báo rủi ro.

Argentina coi Bitcoin như một loại tiền nhưng không phải tiền pháp định và chịu sự quản lý của nhà nước căn cứ trên Luật Dân sự như một loại hàng hóa bị đánh thuế giao dịch.


Đặc biệt gần đây nhất, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) đã sửa Luật các dịch vụ thanh toán, qua đó coi Bitcoin là một phương tiện thanh toán trả trước, hợp pháp trên lãnh thổ Nhật Bản kể từ 01/4/2017 và chịu sự quản lý của JFSA.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác như Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan… cấm tổ chức/cá nhân không được phép giao dịch mua bán, sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác trên lãnh thổ quốc gia.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hay Ngân hàng Trung ương Niregia đã phủ nhận tính hợp lệ của đồng Bitcoin bằng việc ban hành Cảnh báo về rủi ro của đồng Bitcoin; trong đó cấm các tổ chức tài chính sử dụng hay mua bán Bitcoin hay các loại tiền ảo khác.

Mới đây, Trung Quốc cấm ICO (phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng) coi là hoạt động huy động vốn bất hợp pháp.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam nhằm đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử. Đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo giới phân tích nhìn nhận, hoạt động kinh doanh tiền ảo và nền tảng công nghệ tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy hoạt động này ẩn chứa nhiều rủi ro và các nhà đầu tư cần tránh bị “cám dỗ” của Bitcoin và những loại tiền ảo khác để không bị rơi vào tình cảnh rủi ro.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Cần tỉnh táo khi mua sắm máy 'đào' Bitcoin
Cần tỉnh táo khi mua sắm máy 'đào' Bitcoin

Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhập một loạt máy tính nhằm xử lý dữ liệu giải mã để “đào” Bitcoin, khiến hải quan gặp lúng túng. Những loại máy tính dạng này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, nhưng Bitcoin là đồng tiền chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN