07:05 13/07/2011

Thị trường tài chính thế giới chao đảo do nợ công châu Âu

Giá chứng khoán thế giới từ châu Âu tới châu Á đồng loạt "lao dốc", còn đồng euro trượt giá mạnh trong hai phiên 11 và 12/7 do các nhà đầu tư lo ngại Italia và Tây Ban Nha có thể là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Giá chứng khoán thế giới từ châu Âu tới châu Á đồng loạt "lao dốc", còn đồng euro trượt giá mạnh trong hai phiên 11 và 12/7 do các nhà đầu tư lo ngại Italia và Tây Ban Nha có thể là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Trong lúc đó, tại phiên họp bàn về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp của các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) tại Brúcxen (Bỉ), các lãnh đạo EU đã tính đến khả năng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh trong vài ngày tới để "chiến đấu" với" bệnh dịch" nợ công đang lan rộng.

Một nhà đầu tư xem các chỉ số chứng khoán toàn cầu sụt giảm do nợ công châu Âu tại Sàn giao dịch chứng khoán Ôxtrâylia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chứng khoán rơi tự do

Phiên 12/7 tại châu Âu, giá các cổ phiếu đã rớt xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Chỉ số FTSEurofirst 200 có lúc chỉ còn 1.068,92 điểm - mức thấp nhất trong ngày kể từ giữa tháng 3/2011. Chứng khoán Italia rơi hơn 4% trong khi chứng khoán Tây Ban Nha giảm 3,75%.

Đóng cửa phiên 12/7, chứng khoán Hồng Công giảm hơn 3% giá trị, chứng khoán Trung Quốc giảm 1,72%. Trước đó, kết thúc phiên 11/7, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,2% sau ba tuần tăng điểm liên tiếp. Chứng khoán Hồng Công giảm mạnh nhất với mức giảm 1,67%. Các chỉ số chứng khoán Ôxtrâylia giảm 1,56%; Hàn Quốc giảm 1,06%, Nhật Bản giảm 0,67%.

Trên thị trường tiền tệ, trong phiên giao dịch 12/7 tại thị trường Tôkyô, đồng euro đã "trượt" xuống mức 1 euro đổi được 1,3958 USD - mức thấp nhất trong vòng bốn tháng.

Thị trường chứng khoán thế giới ảm đạm và đồng euro mất nền tảng so với đồng USD diễn ra trong bối cảnh niềm tin của giới đầu tư "bị gặm mòn" trước mối lo Italia và Tây Ban Nha có thể "nối gót" Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha.

EU gồng mình với nợ công

Đà "rơi" của thị trường chứng khoán thế giới và đồng euro diễn ra vào thời điểm các bộ trưởng tài chính EU tổ chức cuộc họp tại thủ đô Brúcxen (Bỉ) trong hai ngày 11 và 12/7 về tình hình khủng hoảng nợ tại châu Âu, mà theo như nhận định của Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Jutta Urpilainen là "vô cùng nghiêm trọng vào thời điểm này".

Sau khi phiên họp kết thúc, Hy Lạp có thể thở phào nhẹ nhõm khi các bộ trưởng tài chính EU đã quyết định tăng cường quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) để hỗ trợ nước này cũng như các nước gặp khó khăn khác đối phó với nợ công. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos thông báo: "Các lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu đã quyết định xem xét mọi giải pháp có thể, trong đó có biện pháp tăng cường quỹ EFSF, giảm lãi suất, kéo dài kỳ hạn thanh toán nợ".

Sau 8 giờ làm việc căng thẳng, EU đã đi đến quyết định tăng cường cả quy mô lẫn phạm vi của quỹ EFSF để mua lại núi nợ công của Hy Lạp (tương đương 144% GDP của nước này) cho phép nước này vay tiền với lãi suất ưu đãi hơn trên thị trường.

Một quan chức EU cho hay, Hy Lạp sẽ nhận được khoản vay tiếp theo vào ngày 15/9 dưới dạng giải ngân một phần tiếp theo trong gói cứu trợ đầu tiên hoặc là một phần trong gói cứu trợ thứ hai.

Ngoài vấn đề Hy Lạp, các lãnh đạo EU đang cân nhắc tổ chức một hội nghị để bàn về nợ công của Italia và Tây Ban Nha trong vài ngày tới. Kế hoạch này cho thấy khủng hoảng nợ công châu Âu đang ngày càng nghiêm trọng và đòi hỏi EU phải khẩn trương hành động.

Về phần Italia, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do là một trong những nước có nợ công cao nhất thế giới (tương đương 110,1% GDP) và có tốc độ tăng trưởng thấp nhất châu Âu. Chính phủ Italia ngày 12/7 đã phát hành 6,75 tỷ euro trái phiếu với lãi suất 3,67% so với mức 2,14% hồi tháng trước. Ngoại trưởng nước này Franco Frattini cho rằng quốc hội Italia cần phải thông qua kế hoạch ngân sách khắc khổ trước ngày 31/7.

Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng lên kế hoạch phát hành 93,8 tỷ euro trái phiếu để có tiền trang trải các hoạt động. Nước này sắp phải trả các khoản nợ ngắn và dài hạn đáo hạn vào tháng 4/2012 (22,8 tỷ euro), tháng 7/2012 (21,6 tỷ euro) và tháng 10/2012 (22,6 tỷ euro). Nợ công của Tây Ban Nha hiện tương đương 63,4% GDP.

Hạnh Dương