10:08 26/10/2011

Thị trường rau xanh sẽ sớm “hạ nhiệt”

Giá rau xanh tăng mạnh và “đứng” ở mức cao trong suốt thời gian qua, bên cạnh yếu tố thời tiết còn do các thương lái “làm giá”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ sớm bình ổn thị trường rau trong thời gian tới, không để ảnh hưởng tới nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán.

Giá rau xanh tăng mạnh và “đứng” ở mức cao trong suốt thời gian qua, bên cạnh yếu tố thời tiết còn do các thương lái “làm giá”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ sớm bình ổn thị trường rau trong thời gian tới, không để ảnh hưởng tới nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán.

Đứng ở mức cao

Trong thời gian qua, giá rau xanh trên thị trường tăng đột biến, có mặt hàng tăng 30 – 40% và hiện vẫn đứng ở mức cao. Các loại rau ăn lá tăng nhiều hơn loại củ, quả.

Giá rau sẽ sớm “hạ nhiệt” trong thời gian tới. Ảnh: Lê Phú


Chị Hoàng Hà, một người nội trợ ở phố Phù Đổng Thiên Vương (Hà Nội) cho biết, giá rau tăng nhanh từ sau đợt mưa lũ và hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Một số loại rau như: Rau muống, cải ngọt còn tăng thêm từ 10- 15%.

Theo chị Hà, cách đây khoảng 10 ngày, giá rau cải ngọt được bán với giá 20.000 đồng/kg, rau muống được bán với giá 17.000 đồng/mớ... đến nay, rau cải ngọt tăng lên tới 25.000 đồng/kg, rau muống 18.000 đồng/mớ. Còn các loại rau khác vẫn ở mức cao. Các loại rau vận chuyển từ Đà Lạt ra và từ Trung Quốc về như súp lơ xanh, súp lơ trắng, bắp cải, khoai tây, cà rốt… vẫn giữ nguyên giá.

Giá rau xanh bán lẻ tại các chợ Hà Nội tăng do nguồn cung bị thu hẹp sau những ngày mưa vừa qua. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong thời gian qua, cơn bão số 4, số 5 đã gây mưa kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng rau nói riêng.

Tại chợ Long Biên, Mơ, Trương Định... nguồn cung rau một số loại giảm mạnh, như rau cải xanh và cải ngọt chỉ bằng 50% so với trước; các loại rau khác, nguồn cung cũng giảm từ 10-20%. Nguồn cung trong nước bị thiếu hụt, nhiều cửa hàng đã phải nhập rau ồ ạt từ Trung Quốc.

Sớm bình ổn thị trường

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), qua kiểm tra thực tế, một số diện tích rau bị ngập, tiêu úng chậm, xuất hiện sâu bệnh. Khả năng cung ứng rau thời gian vừa qua bị ảnh hưởng.

“Đó là nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan là một số đơn vị, thương lái lợi dụng tình hình này để tùy tiện đẩy giá rau”, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Ông Ngọc cũng cho rằng, nếu không kiểm soát tốt nguồn gốc rau nhập khẩu sẽ rất dễ gặp vấn đề về chất lượng.

Hiện các cơ quan quản lý của Bộ đã có hướng dẫn kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng do thiếu rau mà để rau kém chất lượng dễ dàng vào Việt Nam.

“Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng hãy tìm mua sản phẩm rau củ quả có nguồn gốc, địa chỉ sản xuất rõ ràng để đảm bảo chất lượng”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Để khôi phục sản xuất, ông Ngọc cho biết, Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt và các địa phương đã hướng dẫn nông dân đẩy mạnh sản xuất rau vụ đông, đặc biệt là các loại rau ưa lạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 110 tấn giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để khuyến khích nông dân tiếp tục trồng rau trong thời gian tới. Nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông.

“Đặc biệt là cây ngắn ngày, quay vòng nhanh. Do vậy, trong khoảng 10 – 15 ngày nữa nhu cầu rau sẽ được đáp ứng một cách đầy đủ và từ giờ đến Tết, nguồn cung về rau cũng không bị biến động nhiều”, ông Ngọc cho biết.

Hữu Vinh